Người Âm Mai Mối

Chương 36



Làn da trên cơ thể thằng bé không còn mịn màng trơn tru như trước nữa. Từng lớp vảy li ti trắng xoá phồng rộp tựa như da rắn bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều.

Thím Mười lảo đảo bật người lùi về phía sau xém ngã xuống đất, hai đầu gối mềm nhũn không đủ sức đứng vững, khi trông thấy sự thay đổi biến dạng làn da của con trai mình.

Thím Mười lắc đầu, nước mắt rơi lã chã, luôn miệng lảm nhảm:

– Không, đây không phải sự thật, đây không phải sự thật.

Thằng bé ngứa ngáy khóc ngằn ngặt, oằn mình lên vì bị cơn đau và cơn ngứa hành hạ.

Chú Công đặt con trai xuống giường, quay lại lo lắng hỏi bà Phấn:

– Bà nói đi, tại sao con trai tôi nó thành ra như vậy?

Bà Phấn lắp bắp:

– Tôi..tôi..không..biết!

Chú Công tra hỏi:

– Hai người nói mau đi, cớ sao da của con trai tôi nó lại bị y chang giống với cháu nội của bà thế kia?

Lúc này thím Mười đã chạy đến bông con lên, ôm nó vào lòng đung đưa dỗ cho thằng bé nín.

Bà Phấn lục tìm trong trí nhớ của mình. Bà ấy đang nghĩ xem vì sao cả cháu nội lẫn cháu ngoại đều mang trong mình bệnh da rắn ngay từ khi mới lọt lòng sinh ra. Bỗng, hai mắt bà mở to tròn, miệng chữ o, hoảng hồn quay sang nhìn thím Mười, hỏi:

– Mười ơi, hay là tại con rắn đó? Con rắn đang bụng chửa chị đánh chế/t được hôm đào móng ấy?

Thím Mười vừa bồng con đi tới đi lui, vừa nói:

– Sao u lại nói vậy? Xưa giờ con ăn thịt rắn có bị làm sao đâu u? Ngày xưa khi lão Mười nhà con còn sống cũng hay đi bắt thịt rắn về làm mồi nhậu còn gì? Sinh con bé Thuỳ Dung ra có làm sao?

Nói đến đây thím Mười mới sực nhớ ra con rắn hổ mang mình mua về nuôi, nó là bùa để giữ chân chú Công lại và nghe lời mình. Ngay lúc này đây thím Mười đang nghĩ:” Có khi nào con rắn hổ mang mà chú Công làm thịt mới là nguyên nhân gây ra bệnh cho con trai mình?” Bởi thím Mười là người ưa mê tín dị đoan, hễ có chuyện gì cũng cắp đít đi tìm thầy để luận quẻ.

Song thím Mười gạt phắt đi cái suy nghĩ vừa rồi nảy lên trong tâm trí mình, thím tự nói với bản thân:” Không đúng, con rắn hổ mang đó chỉ có mình và anh Công ăn mà thôi, vậy sao cô em dâu mình khi sinh con ra cũng mang mầm bệnh y chang con trai mình?”. Nghĩ đến đây thím Mười tin rằng, chính là con rắn mình bắt được hôm đào móng, là nguyên do gây ra tất cả.

– Hai người nói con rắn nào thế? Tôi chẳng hiểu gì cả.

Lời chú Công Vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ trong tâm trí của thím Mười. Thím Mười liếc nhìn bà Phấn, nháy mắt, ra hiệu đừng nói thêm gì nữa.

– À không! Chắc u em nhớ nhầm í mà.

– Để tôi vào làng gọi xe ôm đến đây chở thằng bé đi bệnh viện thăm khám. Hai người ở nhà chuẩn bị ít quần áo và đồ dùng cần biết mang theo xuống bệnh viện cho thằng bé.

– Vâng, vâng..anh cứ đi gọi xe đi.

Trông thấy thái độ khẩn trương của chú Công dành cho con trai mình, thím Mười vừa mừng vừa lo. Mừng vì chú Công yêu mến và coi trọng con trai mình, và lo vì sợ chú Công biết ngày đó mình đã dùng bùa rắn để níu kéo tình cảm giữa hai người. Thậm chí, để được ở bên người mình yêu, thím Mười mong muốn độc chiếm người tình làm của riêng mình, mà nhẫn tâm ra tay sát hại với cả vợ con chú ấy.

Trải qua một tuần nằm viện mà tình trạng của thằng bé vẫn không hề thuyên giảm đi là mấy. Thuốc bác sĩ kê toa cũng chỉ phần nào giúp cho đứa bé giảm đau trong một khoảng thời gian nhất định, rồi đâu lại vào đấy.

Mấy hôm sau, bà Phấn bắt xe xuống bệnh viện thăm cháu, khi đến nơi thấy thằng bé quấy khóc, bà ấy bảo:

– Thôi con ạ, hay là chị ôm con về nhà mình tìm cách chạy chữa theo đường âm. Chứ cứ nhìn thằng bé thế này u xót ruột quá.

Thím Mười buồn bã, nói:

– Một phần cũng do con mà ra. Bây giờ hối hận thì cũng đã muộn.

– Chị nói vậy là sao? Chẳng nhẽ chị đã tìm ra nguyên nhân khiến thằng bé bị bệnh?

– Con nghĩ là vậy, chỉ tiếc ông thầy đó đến nay đã không còn sống trên đời này nữa.

– Hả? Chị nói gì u nghe không hiểu. Cái gì mà thầy với bà ở đây.

Thím Mười thở dài, cũng may lúc này thằng bé đang ngủ thiếp đi vì mệt. Thím Mười đặt con trai xuống giường bệnh, rồi rưng rưng nước mắt kể cho bà Phấn nghe chuyện mình đi mua rắn về nuôi làm bùa giữ người đàn ông mình yêu bên cạnh. Tuy nhiên, vụ thím ấy âm thầm sát hại vợ con chú Công thì vẫn giấu nhẻm.

Bà Phấn nghe xong, nét mặt hoảng hốt lên tiếng:

– Chị nói cái gì? Chị thỉnh bùa chài đàn ông ư? Trời ạ, con ơi là con, sao bay già đầu mà còn dại thế hử con. Chỉ vì một con cu mà làm mờ con mắt.

Thím Mười kéo u mình ngồi xuống, mắt đảo xung quanh, sợ xấu hổ khi bị người khác nghe thấy, bèn nói:

– U be bé cái miệng giùm con có được không? Xung quanh đây biết bao nhiêu là người, nhỡ người ta nghe thấy thì…thì…

Thím Mười nói chưa hết câu đã bị bà Phấn gạt phắt đi. Bà Phấn dí ngón tay vào trán con gái, giận dữ rít lên:

– Chuyện đã đến nước này rồi mà chị còn xấu hổ? Sao trước khi chị làm thì không lường trước sự việc đi, để bây giờ bùa nó quật cho. Ôi trời ơi là trời.!

Thím Mười chẹp lưỡi:

– Thì con đâu nghĩ được xa vậy u? Lòng con đang rối như tơ vò à u cứ trách với chả móc.

Dù bà Phấn mắng con gái vậy thôi, song sâu thẳm trong thâm tâm bà ấy luôn thương và lo lắng cho con gái. Bà Phấn chẹp lưỡi, nói:

– Thôi, đằng nào chuyện cũng đã rồi. Ngày mai chị bảo thằng Công làm giấy xuất viện đi, đưa thằng bé về u chỉ chỗ thăm khám. Cu cháu trai của chị nó được ông thầy lang đó chữa gần khỏi rồi đấy, trong khi bên phía bệnh viện họ không tìm ra bệnh và cách chữa cụ thể. Chỉ mong gặp thầy, gặp thuốc, để hai đứa cháu tôi khỏi bệnh mà thôi.

– Nhưng ai là thầy lang chữa cho cháu con thế u?

Bà Phấn:

– Ờ! Thì là lão Phón làng ấy ấy chứ ai.

Thím Mười trố mắt ngạc nhiên:

– U nói ai cơ? Lão Phớt say xỉn tối ngày người làng mình ấy hả?

Bà Phấn:

– Tên khai sinh của ông ấy là Phón đấy. Nhưng vốn bản tính cứ phớt lờ miệng thiên hạ, nên người ta đặt cho ông ấy cái biệt danh là Phón Phớt. Về sau, người ta quen miệng cứ gọi ông Phớt, thay vì gọi đúng tên là Phón.

Nhưng thím Mười chẳng mấy bận tâm xem ông ấy tên gì, mà nói đúng hơn tên gì cũng mặc xác ông ấy. Thím Mười kinh ngạc, hỏi:

– Con chạm mặt lão ta mấy lần, lần nào cũng không mấy vui vẻ. Lần này ôm con sang nhờ lão bắt mạch liệu rằng lão ấy có giúp không u nhỉ?

– Thì đã sang đâu mà biết. Chưa thử đừng vội nản lòng. Ông ấy bắt mạch chữa bệnh theo cách dân gian hay lắm đấy. Ngày xưa, lúc anh chị còn bé, hễ đau bụng đau bão hay cảm ốm sụt sùi tôi cứ ôm anh chị sang nhờ ông ấy kê cho nắm thuốc lá, uống tầm 3 hôm thôi là khỏi hẳn đấy.

Thế là hôm sau mẹ con thím Mười xuất hiện như dự định. Cả hai về nhà trong tâm trạng buồn bã chẳng mấy vui. Chú Công sau khi con trai phát bệnh cũng tỏ ra chán nản, hễ hôm nào không xuống viện chăm vợ con, là y rằng ngồi lê ở các quán ăn nhậu. Có hôm say đến mờ cả mắt, xém chút không nhớ đường về nhà.

Hơn 9h tối, lúc thím Mười vừa ngả lưng xuống giường chập chờn ru mình vào giấc ngủ, thì bỗng cơ thể thím trở nên nặng nề muốn nghẹt thở. Tựa như có tảng đá to đè trên ngực mình.

Thím Mười bừng tỉnh. Giật mình khi thấy một cái bóng đen lù lù xuất hiện ngay trước mặt. Người đó ngồi chễm chệ trên người thím, không trông rõ mặt mũi song thím cảm nhận được chân tay nó toàn lông lá xồm xoàm cọ sát vào da thịt mình. Đôi mắt đỏ rực lửa dần hiện hữu trong bóng tối, bóng đen nhìn sang chỗ thằng bé, toàn thân lặng thinh không nhúc nhích.

Thím Mười muốn vung tay, đạp chân, cố vùng vẫy thoát ra khỏi cơn ảo ảnh. Thế nhưng, càng cố sức bao nhiêu thì cơ thể thím Mười càng nặng trĩu.

Bóng đen hết nhún nhảy trên người thím Mười, lại vươn dài cánh tay đen nhẻm đặt vào cổ, cứ thế bóp.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner