Trong thời khắc thím Mười tưởng chừng mình không thể vượt qua ngưỡng cửa tử thần, thì bàn tay kia lại buông lơi.
Bóng đen nhảy phóc xuống đất, không phát ra tiếng động, nhẹ đến nỗi tựa như làn gió mùa xuân thoảng nhè nhẹ lướt ngang qua khuôn mặt.
Thím Mười bật dậy, thở phì phò. Mồ hôi mồ kê khắp người vã ra như tắm.
Phải lâu lắm thím Mười mới bị ma đè kể từ đêm hôm đầu tiên thím chuyển đến đây sống. Cảnh tượng khi nãy luôn khắc sâu trong tâm trí, mỗi khi nhớ đến vẫn cảm thấy rùng mình.
Từ ngày hôm đó, chẳng đêm nào thím Mười được ngủ ngon giấc. Hễ nhắm mắt lại thấy có bóng đen ngồi đè trên người mình, có hôm bên tai thím văng vẳng câu nói trách hờn:
– Tao đánh mày chế/t, tao đánh mày chế/t. Mày chiếm nhà tao, ai cho mày chiếm nhà tao.
Những lúc ấy, nước mắt thím Mười tuôn rơi, không phải vì sợ mà bởi toàn thân thím như có ngàn vạn mũi kim đâm xuyên thấu da thịt, chạm tới xương.
Một tuần trôi qua…
Chú Công về nhà trong tình trạng say khướt:
– Anh Công, anh lại đi uống rượu nữa à?
Chú Công nhìn thím Mười bồng con đứng trên cửa, ư hừ tiếng, trả lời lạnh tanh:
– Thế cô muốn tôi ru rú ở nhà để nhìn cái bộ mặt xấu xí đáng ghét của hai mẹ con cô đấy hả?
Lần đầu tiên nghe người đàn ông mình yêu thương hơn cả bản thân mình nói ra những lời làm tổn thương tâm hồn, thì thím Mười chỉ biết bặm môi, cắn răng chịu đựng. Bởi hoàn cảnh của thím bây giờ chẳng còn khá giả như xưa, số tiền lời từ vụ bán đất đã đổ dồn làm căn nhà tạm bợ này, còn dư một chút thì thuê người múc đất, đào ao, mua cá giống về thả, chưa tính tiền mua lợn con về nuôi thành lợn thịt để bán. Trăm thứ phải lo toan vun vén, chú Công đã chẳng phụ thím Mười kiếm tiền về nuôi con, đằng này ngày càng trượt dài trong me rượu với mấy ông ma men nát bét trong xóm.
– Anh về rồi thì tốt, vào nhà nghỉ ngơi đi. Ngày mai khi anh tỉnh táo chúng ra sẽ nói chuyện sau.
Chú Công khật khưỡng bước vào, khi đi ngang qua chỗ thím Mười thì dừng lại. Đánh nửa khuôn mặt liếc nhìn thằng bé con trai mình bằng một con mắt, hừ lạnh, buông câu:
– Hễ về đến nhà là lại phải nhìn thấy hai cái gương mặt khó ưa này. Đáng ghét thật!
Nói xong chú Công đi thẳng, nằm vật xuống chiếc giường tre ọp ẹp lăn ra ngủ. Chẳng mấy chốc tiếng gáy của chú Công vang lên đều đều, đó là lúc chú ấy ngủ say như chế/t. Bỏ mặc thím Mười buồn đau trong nỗi thất vọng.
—
Xế trưa, nhân lúc con trai ngủ thím Mười đong gạo bưng nồi cơm ra giếng vo. Vừa đặt mông ngồi xuống, chưa kịp đổ gáo nước vào nồi thì cậu con trai trong nhà khóc ré lên như bị trúng tà. Thím Mười giật mình, hốt hoảng thả gáo nước xuống lật đật nhổm dậy đứng thẳng chạy thật nhanh vào chỗ thằng bé nằm ngủ. Nhưng lạ thay, lúc thím Mười vào đến nơi thì vẫn thấy con trai ngủ say giấc, bên kia giường tre tiếng gáy của chú Công vẫn vang lên đều đều.
Thím Mười thở phào nhẹ nhõm, song trong lòng lại luôn cảm thấy bất an vô cùng. Bởi khi nãy rõ ràng là tiếng khóc của con trai mình.
Đúng lúc đó bà Phấn sang chơi, vừa tới cổng bà ấy đã đánh tiếng:
– Trưa rồi, mấy đứa cơm nước gì chưa?
Thím Mười ngoảnh lại, chầm chậm đi ra giếng, buồn bã trả lời:
– Vẫn chưa nấu u ạ.
– Thế thằng Công đâu? Sao giờ này bếp núc còn lạnh tanh thế này?
Thím Mười vừa vo gạo, vừa đáp:
– Anh Công nằm ngủ ở trong nhà. Thằng cu vừa mới ngủ con tranh thủ đi đặt nồi cơm.
Bà Phấn nhìn con gái héo mòn sau khi sinh con càng trở nên tàn tạ, bèn chẹp lưỡi thở dài nói:
– Tôi dặn thầy chị đi đón cháu về bên nhà cho nó ăn cơm rồi đấy, chị không phải đi đón nó nữa đâu.
Sực nhớ ra điều gì đó, thím Mười ngước lên hỏi:
– À u ơi! Thế ông Phớt làng mình, à không, ông Phón thầy lang người làng mình ấy u, liệu có chữa khỏi bệnh cho con trai con không?
Bà Phấn ngồi trên hiên nói vọng ra:
– Khỏi thì chả khỏi đâu. Cơ mà bệnh tình cũng thuyên giảm đi nhiều lắm. Quan trọng thằng bé ít quấy khóc, ăn no ngủ kĩ, bố mẹ đỡ phiền lòng. Chỉ hôm nào trái gió trở trời mình mẩy nó ngứa ngáy thì mới quấy khóc mà thôi.
Thấy thím Mười im lặng ngồi nghe mình nói, bà Phấn lại lên tiếng nói tiếp:
– Sao chị không ẵm con sang nhờ ông ấy bắt mạch xem thử. Các cụ có câu, có bệnh thì vái tứ phương, biết đâu gặp thầy gặp thuốc, thằng bé khỏi cũng lên.
Thím Mười buồn bã, đáp:
– Thì con cũng muốn chứ u, cơ mà lần trước chạm mặt ông ấy con đã nhỡ mồm buông lời không hay. Giờ ôm con qua, liệu ông ấy có để bụng chuyện cũ không?
Bà Phấn:
– Dù là vậy, thì cứ thành tâm xin lỗi ông ấy một tiếng. Hơn nữa, trẻ con vô tội.
Thím Mười nghe xong vâng dạ qua quýt. Lúc bà Phấn chuẩn bị ra về thì thím Mười sực nhớ ra chuyện cần nhờ, bèn gọi u lại và nói:
– Con quên vẫn còn chuyện này nhờ u làm giúp.
Bà Phấn ngoảnh lại, hỏi:
– Chuyện gì thế?
Thím Mười chạy ù vào nhà, khi trở ra trên tay cầm lá thư đã dán sẵn dúi vào tay bà Phấn và dặn:
– U chạy ra bưu điện gửi giùm con bức thư.
Bà Phấn nhìn vào địa chỉ trên thư, ngạc nhiên hỏi:
– Hả! Gửi sang tận nước ngoài kia à? Xa thế! Cho ai vậy?
Thím Mười gạt phắt đi, xua tay, đáp:
– Thì u cứ gửi giùm con. Chuyện này con kể cho u nghe sau.
Bà Phấn ậm ừ, cũng không tiện hỏi gì thêm bởi bà ấy quá rõ tính nết con gái mình, nếu chuyện chưa thành công là chưa muốn nói.
Vừa đi được đi vài bước, bà ấy lại bị Mười lại gọi giật lại:
– À u ơi, u có tiền cho con mượn tạm mấy đồng. Sữa của thằng bé cũng hết rồi mà con chưa có tiền mua.
Nhìn mấy lon sữa bò bị vứt chỏng chơ ngoài gốc cây, bà Phấn chỉ biết lắc đầy và bảo:
– Nếu thằng Công còn không chịu làm việc nuôi con, thì đuổi nó đi ra khỏi nhà cuo khuất mắt. Tôi tưởng nó là đứa siêng làm, sống có trách nhiệm, ai ngờ cũng chỉ là thằng vô dụng ăn bám.
Sợ chú Công nghe thấy, thím Mười vừa đẩy u đi vừa nói:
– Thôi u về đi, không có tiền cho con mượn thì thôi, sao hở tí u mắng anh ấy.
– Chị đấy, mê trai đến lú luôn rồi. Nuôi hai đứa con đã vất vả giờ phải nuôi thêm cái thằng ăn bám. Biết bao giờ tấm thân chị mới được thảnh thơi hử Mười.
Những lời u mình nói, thím Mười nghe mà thấm. Song đã lỡ leo lên lưng cọp muốn xuống cũng khó. Ngay cả khi hai mẹ con thím bị chú Công ghẻ lạnh, thì thím Mười đã xác định cuộc đời còn lại này thím chỉ gắn bó với một người đàn ông duy nhất, đó là chú Công.
Bà Phấn dúi mấy trăm nghìn vào tay thím Mười, rồi nói:
– Đây! Tôi còn nhiêu đây trong túi thôi. Tiền hôm qua tôi bán mấy con gà đấy, cầm lấy mà mua cho cháu tôi mấy lon sữa, với mua thêm ít thịt lợn về mà ăn. Trông chị thế này thân người làm mẹ như tôi xót lắm chứ. Có thương chị, thương cháu, tôi mới khuyên chị vậy thôi. Nghe hay không tùy chị. Thôi tôi về.
Thím Mười đứng lặng thinh trông theo bóng dáng mẹ. Hai mắt cay xè, sống mũi cay cay, hàng nước trực trào tuôn ra nhưng vẫn cố kiềm chế cảm xúc, nuốt nước mắt vào trong.
—-
Cứ đến cuối tuần Tường Vân thường ra ngoài đầu ngõ đợi bác đưa thư đi ngang qua để hỏi, song lần nào ánh mắt con bé cũng buồn rười rượi. Đã lâu rồi Tường Vân không còn nhận được thư của cậu bạn ở phương xa, thư gửi đi mà không thấy hồi âm khiến con bé tuyệt vọng. Một buổi chiều nọ, bác đưa thư đi ngang qua nhưng không hề dừng lại, là lúc con bé hiểu rằng mình không có thư.
Tường Vân quay đi, kể từ đó con bé không bao giờ ra đầu ngõ trông lá thư từ phương xa nữa. Cuộc sống khó khăn bình dị cứ thế trôi đi, lặng lẽ, êm ả, cực khổ có và hạnh phúc cũng có.
[……]
Nhiều Năm Sau:
– Tường Vân, đợi cô với!
Tường Vân gấp gáp phanh xe, ngoảnh lại hỏi:
– Cô, cô gọi cháu!
Cô Đào mỉm cười, đi đến và bảo:
– Đây là tiền sinh hoạt tháng này của hai chị em. Cháu cầm lấy, nhớ cất cẩn thận nhé.
Tường Vân ngạc nhiên, hỏi:
– Nhưng sao cô đưa tiền cho cháu nhiều vậy ạ? Hơn nữa cháu đi gánh gạch thuê cũng kiếm được chút tiền công, tuy không nhiều song cũng đủ sống qua ngày cô ạ.
Vừa nói, Tường Vân vừa dúi tiền vào tay cô Đào, tuy chỉ là vài triệu, nhưng đối với con bé cam chịu khổ từ bé và có tính tự lập như Tường Vân thì đấy lại là một số tiền lớn:
Cô Đào nhét tiền vào túi áo cho Tường Vân, trìu mến nói:
– Cháu cứ cầm lấy mà tiêu, thiếu bảo cô đưa thêm cho mà dùng. À mà, cũng sắp đến đám giỗ của bố mẹ cháu, nếu cháu làm mâm cúng cứ bảo cô một tiếng, cô sang phụ một tay.
Tưởng Vân mỉm cười. Bao nhiêu năm qua nếu không nhận được sự quan tâm của hai vợ chồng cô Đào thì chắc có lẽ hai chị em con bé đã phải tha hương đi cầu thực khắp chốn nhân gian, cũng không biết cuộc sống có được như bây giờ không. Sau khi nghe cô Đào nói vậy Tường Vân xúc động lắm, dù trải qua bao nhiêu năm tháng và ngay cả khi cha mẹ mình không còn trên cõi đời này, thì tình bạn giữa họ cũng không hề phơi mờ.
Hai cô cháu mải nói chuyện ngoài đường, dúi tiền qua lại mà không biết đám thanh niên lêu lổng đang uống nước trà bên kia quán để ý mọi hành động của mình.
Một gã hất hàm rồi nói:
– Ê tụi mày, con nhóc kia càng lớn càng xinh tụi mày nhể?
Gã khác xen vô:
– Công nhận, ở lứa tuổi dậy thì hiện tại thì con Vân này xinh nhất đám. Có thể đặt cho nó cái biệt danh hoa khôi cũng không lấy gì làm lạ.
Đứa kia chen ngang:
– Đồng quan điểm. Nhưng tán con bé này hơi bị khó đấy nhé. Tao thấy nó ít giao du với đám bạn bên ngoài, sống nội tâm khép kín.
Ba thằng đổ dồn ánh mắt nhìn cậu bạn, chẳng ai bảo ai, cứ vậy đồng thanh hỏi:
– Sao mày biết rõ về nó thế hử?