Người Âm Mai Mối

Chương 44



Hai đứa hoảng sợ bỏ chạy thục mạng. Chẳng hiểu sao họ không chạy về hướng nhà mình, lại cắm đầu chạy ra chỗ ngôi miếu hoang nằm dưới gốc cây cổ thụ ở cuối thôn.

Trong lúc chạy, bên tai họ nghe thấy rõ tiếng huỳnh huỵch tựa như có ai đó đang đuổi mình ngay sau lưng, chốc chốc chúng ngoảnh đầu lại nhìn thì chẳng thấy có ai.

Đến chỗ miếu hoang thì cả hai khựng lại. Khom người cúi xuống, hai tay vịn vào đầu gối thở hồng hộc như trâu. Những giọt mồ hôi từ trên trán rớt xuống, gặp lá khô tạo ra tiếng động” lộp độp.”

– Này! Đây đâu phải hướng nhà chúng ta?

Nghe thằng bạn hỏi hắn mới để ý thì lời bạn mình nói đúng là thật. Xung quanh họ bây giờ được bao bọc bởi cánh đồng phủ một màu xanh của hoa màu tươi tốt.

Hắn đứng thẳng người, đưa tay áo lên lau mồ hôi, nhăn mặt thở phì phò gật đầu, đáp:

– Mày nói đúng rồi đấy. Mẹ kiếp, thế là tối nay về không công cốc, lại còn bị một phen hú vía nữa chứ.

Gã đồng bọn đáp:

– Khi này mày có nhìn thấy bà ta không? Tao nghe nói cụ Doãn mất tích một thời gian xong tự dưng quay về nhà. Cũng từ đó không ai trông thấy bà ấy nữa.

– Có khi nào bà già ấy chế/t rồi không? Chứ sao dáng vẻ của bà ta trông lại ghê rợn như thế.

– A Chế rồi à?

Thằng bạn hỏi lại, rồi nó lẩm bẩm trong miệng:” Cũng không phải, nếu cụ Doãn chết rồi thì sao không thấy người nhà làm đám ma cho cụ ấy. Mày thấy tao nói có đúng không?”

Thằng bạn không trả lời, bên tai nó chỉ có tiếng gió rít nghe nhức óc kèm theo hơi lạnh lẽo tựa như bản thân mình đang đứng giữa bãi nghĩa địa u tối.

Hắn không nghe thấy tiếng thằng bạn, cả hơi gấp gáp của nó cũng không. Hoảng quá, hắn ngoảnh lại nhìn thì bạn mình đã biến đi đâu mất dạng. Hắn lập tức đảo mắt dòm ngó tìm kiếm tứ phía, thế nhưng vẫn không thấy bóng dáng thằng bạn của mình.

Sợ hãi, hắn gọi thật lớn:

– Long ơi! Mày ở đâu? Mày đang ở đâu hả? Giờ là lúc nào rồi mà mày còn chơi trò trốn tìm?

Dù gào đến khản cổ vẫn không thấy bạn mình trả lời, hắn đành bất lực quay về nhà. Khi đi ngang qua nhà nó hắn mấy lần toan gọi cửa hỏi xem nó về nhà hay chưa, nhưng lại thôi. Hắn xoay người đi thẳng một mạch về nhà, chân tay chẳng buồn rửa, leo tót lên giường nằm cuộn tròn rên hừ hừ.
—-

Trời vừa sáng người dân trong làng đã phát hiện ra có người đàn ông thắ/t cổ tự vẫ/n chế/t trên gốc cây cổ thụ ở cuối thôn. Tin tức chẳng mấy chốc đã loan ra cả làng. Người dân kéo đến xem đông lắm, họ chỉ trỏ lên cái xác thắc mắc không biết người chế/t là ai.

Ông trưởng thôn phóng xe tới, lên tiếng:

– Bà con tránh ra tôi vào xem đứa nào mà nó nghĩ quẩn thế?

Xá/c chế/t treo tít trên gần đỉnh ngọn cây, vẫn đang đu đưa nhịp dây theo làn gió. Ông trưởng thôn thở dài, nhờ mấy người đàn ông to khoẻ treo lên đưa cái xá/c xuống đất.

Khoảnh khắc xá/c vừa tiếp đất, mọi người tá hỏa nhận ra đó là cậu thanh niên tên Long người trong xóm. Lời bàn tán bắt đầu xì xầm vang lên:

– Là thằng Long con nhà n đấy. Thằng này là con một, được bố mẹ chiều nên sinh hư. Học hành chẳng lo học, suốt ngày ăn chơi lêu lổng với đám thanh hư trong làng.

– Bác nói phải đấy. Thằng này tôi còn lạ gì, đến bố mẹ nó còn bất lực kia mà.

Người khác chẹp miệng, nói tiếp lời:

– Chắc lại bài bạc cá độ thua người ta nhiều tiền, không có tiền trả nợ nên mới nghĩ quẩn. Chỉ khổ bố mẹ nó, cả đời tảo tần nuôi con đến cuối cùng vẫn phải sống cảnh người già neo đơn.

Thằng bạn đi cùng hôm qua đứng sau đám đông, nó đã nghe thấy hết tất cả. Nhìn vào xác bạn mình nó không cầm nổi nước mắt, song lại không dám chạy đến ôm bạn lần cuối trước lúc chia xa. Nó lùi lại phía sau, toàn thân run rẩy không phải vì mỗi thương xót khi mất đi thằng bạn thân, mà nó run vì sợ.

– Mau, khiêng cậu ấy lên chiếu, đậy lại đợi người nhà ra nhận.

Lúc đó, một vài người dân tự giác mang hương và nải chuối ra đặt trước cái xác đốt nhang. Thôi thì tình làng nghĩa xóm, cho dù khi sống không thân thích, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, tiễn cậu trai trẻ về miền cực lạc.

Buổi trưa hôm ấy, gã bạn thân không ra ăn cơm. Nó ngồi thu lu trên giường ở trong phòng lắng nghe bố mẹ mình nói chuyện bên ngoài nhà.

– Xác thằng Long trông hãi lắm mình ạ.
Người chồng nhìn vợ, tò mò hỏi:
– Hãi là hãi ra làm sao? Mình kể tôi nghe thử?
Người vợ nuốt miếng cơm trong miệng xong, trả lời.
– Người nó cứ tím ngắt cả lên, mà không phải tím toàn thân, chỗ bị chỗ không. Cứ như khi sống nó bị người ta dùng roi đánh vào người, nên mới xuất hiện nhiều vết bầm tím bất thường.
Người chồng thở dài, nói:
– Cũng may thằng Giang nhà mình tối qua nó không đi cùng thằng Long, chứ nếu không chắc gì gặp may như bây giờ.
Người vợ nói tiếp:
– Nghe bảo, khi hạ xác nó xuống nặng lắm, nặng như cả tạ. Mấy lần dây thừng quấn quanh thi thể mới hạ được xác nó xuống đấy.
Người chồng gật gù, hối thúc vợ:
– Thôi ăn tiếp đi mình, rồi vào hỏi xem con nó có đói múc cơm vào phòng cho nó. Chắc cu cậu buồn vì mất đi người bạn thân ấy mà. Không sao đâu, đứa nào chơi thân với nhau khi gặp hoàn cảnh như chúng nó chả bị sốc, phải mất một thời gian mới quen từ từ.

Người vợ gật đầu. Đơm tô cơm và gắp thêm ít thức ăn rồi bưng vào phòng cho con trai.

Nhìn mâm cơm mẹ đặt trên bàn Giang chẳng màng ăn uống. Đợi lúc bố mẹ nghỉ trưa trong phòng nó âm thầm đi ra khỏi ra. Nó đạp xe ngang qua nhà thằng Long, vẫn thấy người nhà ở trong an ủi động viên bố mẹ nó đông lắm. Nó tính vào thắp cho bạn mình nén nhang, nhưng không hiểu sao đến cuối cùng lại quay người bỏ đi.

Ở đây có phong tục, người chế/t trẻ kiêng kỵ để qua đêm. Nếu phát hiện ra người thân không may qua đời khi chưa có vợ hoặc chồng( kể cả con nít ) thì người thân trong nhà mau chóng chuẩn bị tang lễ và đưa tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Chính vì vậy mà thằng Long được người nhà đưa đi chôn vào giờ lành theo giờ ông thầy cúng đã chọn, ngay trong buổi sáng.

Giang lang thang khắp các con xóm, nó chẳng hiểu vì sao mình không đạp xe về nhà mà cứ chạy loanh quanh không biết điểm dừng. Đến chỗ bụi tre giữa làng thì nó dừng lại, gặp ông Phớt say mèm khật khưỡng cầm chai rượu đi ngang qua, nó gật đầu chào, hỏi:

– Ông Phón vừa đi chơi về ạ?
Ông Phón nhìn nó, cười hề hề lè nhè nói:
– Mày gọi ông tên Phón hay tên Phớt cũng được, chả sao cả.

Nói đến đây ông ấy khựng lại, nhìn chăm chăm vào khuôn mặt sầu não của nó rồi phán:

– Thằng này, ấn đường mày đen hết 7 phần rồi kìa, mau về nhà đi. Tối nay đừng có tự tiện bước ra khỏi nhà, qua được đêm nay thì xem như phúc lớn mạng lớn.

Mặt nó tái mét, bởi nó biết danh tính của ông Phón chính là kẻ điên nhưng phán đâu trúng đó, cấm sai lệch bao giờ. Thoạt đầu nó không tin, nhưng vài lần tận mắt chứng kiến ông Phón đoán mệnh cho người ta và cũng nhiều lần nghe các cụ kể lại nên nó tin lời ông ấy nói là thật, chứ chẳng ai mang tính mạng của người khác ra đùa giỡn.

Nó run rẩy, lắp bắp hỏi:

– Thật..thật..không…cụ? Con phải làm sao bây giờ?

Ông Phón đưa chai rượu lên miệng uống ực hớp, nhìn nó chăm chăm xong chỉ tay vào thẳng mặt phán rằng:

– Đêm nay nếu mày ra khỏi nhà là bị chúng bắt đi đấy. Bắt xuống dưới đó làm tay sai cho chúng nó. Còn nữa, cái gốc cây cổ thụ hay mộ thằng bạn thân vừa mới đắp, chưa qua 49 ngày thì cấm bén mảng đến.

Nói xong ông ấy bước đi. Thằng Giang biết đêm nay mình sẽ chế/t liền tỏ ra sợ hãi. Nó ngoảnh lại nhìn cơ thể gầy còm của ông ấy, hỏi:

– Thế cháu phải làm gì bây giờ hả cụ? Đêm nay chỉ cần không bước chân ra khỏi nhà thì cháu sẽ an toàn đúng vậy không?

Ông Phón không quay người lại, cũng không dừng bước, vừa chậm chạp bước đi vừa trả lời:

– Cứ làm theo tôi dặn là được.

Sau câu nói thì ông Phón đột ngột khựng chân. Đứng im một lúc như thể đang suy nghĩ gì đó rồi lúc thằng Giang sắp lên xe đạp đi thì ông ấy xoay người ngoắc nó lại và bảo:

– Khoan đã, đợi tôi một chút.

Ông Phón tạt vào sườn đường hái một chiếc lá cây già rồi đưa lên miệng thổi phù..phù..phù..3 hơi vào chiếc lá, đưa nó cho thằng Giang và dặn.

– Cậu phải luôn mang theo chiếc lá cây này bên mình, qua được đêm nay thì nó không còn tác dụng gì nữa. Khi đó cậu có thể vứt nó xuống sông hoặc xuống ao.

Dặn dò xong, ông Phón quay người bỏ đi. Dáng đi của ông ấy vững bước hẳn, như một người bình thường chứ không phải của một kẻ say.

Giang cầm chiếc lá lên ngắm nghía, trong mắt cậu nó giống như lá bùa may mắn, mang bình an đến cho mình. Thằng Giang cẩn thận cất chiếc lá cây vào trong túi áo, rồi leo lên xe đạp đi.

Nó vừa đạp xe vừa nhớ đến lời dặn của ông Phón hồi nãy, nó lảm nhảm trong miệng:” Cái gì mà qua 49 ngày không được ra mộ thằng Long thắp nhang? Tại sao vậy nhỉ?”

Nghĩ đến đây nó nhớ lại câu chuyện kể của bà nội và mẹ thường hay nói chuyện với nhau về những lần kể chuyện tâm linh.

Đại khái như…

“ Các thầy tâm linh cho biết, trong vòng 49 ngày đầu kể từ ngày hạ huyết, linh hồn của những đã mất vẫn còn ở xung quanh mộ phần của họ. Họ không nghĩ rằng mình đã chết nên vẫn còn rất lưu luyến và vấn vương với nhân gian. Nếu như người thân thường xuyên ra thăm mộ, khóc lóc sẽ vô tình tạo thêm sự luyến tiếc và níu kéo giữa người âm và cõi dương. Điều này khiến cho hương hồn của người đã mất khó yên lòng ra đi, chấp niệm không chịu đầu thai. Trong trường hợp, linh hồn không chịu siêu thoát thì người đã mất sẽ trở thành một linh hồn lang thang và không có chốn trú ngụ. Việc làm này là vô cùng không tốt cho họ. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng xấu tới thân thể, sức khỏe và tài vận của người còn sống.”

Đang suy nghĩ man man thì một cơn gió thổi ào đến, làm cái áo sơ mi được khoác sơ xài trên người của thằng Giang bị tốc lên cao, bay phần phật.

Chiếc lá cây vô tình bị gió cuốn đi, mà nó không hề hay biết.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner