Chiếc xe như có người âm dẫn đường chạy quanh co một hồi cuối cùng thì dừng lại trước bãi nghĩa địa của thôn, nằm tách riêng biệt với làng xóm.
Lúc này Giang mới bừng tỉnh, cậu chỉ nhớ mình đang đạp xe về nhà vậy mà chẳng hiểu sao lại đạp xe đến đây. Nó len lén liếc nhìn vào bãi nghĩa địa, thấy ngôi mộ mới đắp nó đoán chắc đó là mộ của thằng Long bạn mình vừa được chôn cất sáng nay.
Toàn thân nó lạnh toát, ánh mắt nhìn chăm chăm vào đó không rời. Đứng im lặng một lúc nó quyết định dựng xe và bước vào bên trong để nói lời tiễn biệt bạn mình một lần cuối.
Lời ông cụ Phón dặn dò trước đó trong phút chốc nó quên phéng mất, tâm trí nó dần trở nên ngây dại, chân bước đi một cách thẫn thờ mà mặt mày không một chút thần sắc.
Đi đến mộ bạn mình, Giang quỳ mọp xuống khóc lóc kể khổ, xong lại tự trách mình rằng nếu đêm qua không rủ thằng Long đi ăn trộm thì có lẽ nó sẽ không chế/t, một cái chết lãng xẹt chẳng hiểu rõ nguyên nhân.
Nước mắt rơi xuống mộ mà thằng Giang không hề biết. Mãi một lúc sau nó mới thôi không khóc nữa, quỳ lạy trước mộ bạn mình ba xá rồi đứng dậy đi về. Nó không ngoảnh lại nhìn ngôi mộ thêm lần nào nữa.
Bữa cơm tối hôm ấy thằng Giang liên tục gắp thức ăn bỏ vào bát cho bố mẹ. Cả bữa ăn nó cười ngờ nghệch như một đứa trẻ, có lúc lại luôn miệng nói:
– Bố mẹ ăn đi, mau ăn đi.
Bố nó thấy lạ, nhìn con trai chăm chằm rồi hỏi:
– Mày hôm nay sao thế hả con? Thường ngày mày có gắp thức ăn cho bố mẹ bao giờ?
Mẹ cậu ấy huých chỏ tay vào mạng sườn của bố nó, nháy mắt ngầm ra hiệu.
– Tôi nó sai sao mình? Có mấy khi nó chịu ăn cơm tối ở nhà, còn ngồi chung mâm với bố mẹ đâu? Mà nếu có thì cũng ăn vội ăn vàng rồi biến đi chơi theo đám bạn.
Người vợ chẹp lưỡi, nói với chồng:
– Bây giờ con nó thay đổi rồi cũng tốt mà mình. Chứng tỏ nó đã chín chắn và trưởng thành.
Bố nó ậm ừ, nói:
– Được vậy thì tốt, thôi hai mẹ con mau ăn cơm đi.
Đêm nay, sắc trời càng thêm càng thêm đen quánh, ánh trăng trên bầu trời cũng bị đám mây đen che phủ, vạn vật như bị nhuốm trong màn đêm.
Giang bật người dậy, tâm trạng bần thần như kẻ mất trí. Cậu mở cửa đi ra khỏi nhà khi trời chớm nửa đêm.
Lạ thay, tiếng chó sủa inh ỏi khắp thôn xóm nhưng lạ thay không có nhà nào thức dậy bật đèn. Hai chân cậu sải bước trong đêm tối, cậu cũng không biết mình đi đâu, chỉ biết đi thẳng trên con đường tối tăm trước mắt.
Đi mãi..đi mãi…gốc cây cổ thụ già nua và ngôi miếu dần hiện ra trước mắt. Khi đó ánh trăng chui ra khỏi đám mây đen, xua tan phần nào màn đêm đặc quánh.
Cậu dừng lại, nhìn chăm chăm vào ngôi miếu. Đôi mắt như bị người ta thôi miên trở nên đờ đẫn, ẩn sâu trong đôi mắt ấy là nỗi buồn u uất.
– Vào đây, vào đây đi..
Bỗng, bên tai có tiếng thì thầm ma mị. Giang như mất hồn cứ thế đi về hướng gốc cây, đến trước ngôi miếu thì dừng lại.
Khoé môi hiện ra một nét cười buồn.
Tay thằng Giang đưa lên múa máy loạn xạ trong khung trung, chẳng biết nó đang làm gì. Mãi một hồi lâu sau thì nó mới khựng lại, cả cơ thể đứng thẳng tắp im thin thít như một pho tượng.
——
– Thanh Trúc, lúc nào con đi làm mang hai mớ (bó ) rau muống sang giao cho nhà cô Mười giùm mẹ nhé.
Thanh Trúc uể oải từ buồng từ ra, miệng ngáp ngắn ngáp dài gật đầu, đáp:
– Vâng, mẹ cứ đi chợ đi kẻo hết chỗ ngồi, tí nữa con mang rau đi giao giùm cho.
– Nhớ ăn sáng đầy đủ rồi hẵng đi, cơm mẹ đặt sẵn trên bếp.
Thanh Trúc nhấc bó rau đặt vào giỏ xe, chỉ sợ lát nữa đi làm lại quên. Hơn 6h sáng Thanh Trúc đạp xe mang rau sang giao cho nhà thím Mười, lúc đến cổng cô dừng lại gọi.
– Cô Mười dậy chưa cô ơi, cháu đem rau sang giao cho mẹ.
Thím Mười từ bếp thò đầu ra, ngoắc tay rồi bảo:
– Mang vào đây đi.
Đặt bó rau ở cửa bếp Thanh Trúc nói:
– Dạ, hai bó rau hết 5 nghìn. Cô Mười trả tiền rau bây giờ hay để khi nào gặp mẹ con thì cô trả?
Nhìn mớ rau muống non mỡm mà thím Mười bĩu môi, ra vẻ chê bai để trả giá:
– Ôi xời, rau vừa xấu vừa ngắn lại còn bó mỏng dính thế này mà cũng bán với giá ấy sao? Này, trong túi cô còn đúng 4 nghìn thôi đây, bảo mẹ cháu tôi chỉ trả giá đấy. Mang lên chợ ngồi nghệt mặt ra đến trưa lòi chắc gì đã có ma nào chịu mua rau này với cái giá như tôi trả.
Biết rõ thím Mười là loại người gì, vậy chẳng hiểu sao mẹ vẫn bán rau cho thím ấy. Rõ ràng rau muống xanh non như thiếu nữ mười tám, thế nhưng qua miệng thím Mười thì nó không bằng mớ rau cho lợn, nhưng Thanh Trúc không nói thêm lời nào, cầm 4 nghìn nhét vào túi rồi xin phép ra về.
Vừa quay người rời đi thình lình cậu con trai của thím Mười xuất hiện ngay phía sau, báo hại Thanh Trúc giật mình nhảy cẫng lên la lớn:
– Ối dồi ôi, em làm chị giật cả mình.
Một bát nước từ đâu tạt thẳng vào mặt Thanh Trúc khiến cô ướt nhẹp. Thanh Trúc đưa tay lên lau nước trên mặt, nhìn cậu bé nghiêm mặt nói:
– Sao em lại té nước lên người chị? Chị còn phải đi làm bây giờ nữa mà.
Thằng bé nhìn cô chăm chăm, lắc đầu đáp:
– Em không có.
Một bát nước thứ hai được tạt thẳng vào người cô, lần này khiến mình mẩy cô ướt sũng. Thanh Trúc nhìn cậu bé bằng ánh mắt sợ hãi, rõ ràng cô cũng thấy trên tay cậu bé không cầm nắm bất cứ vật gì, nhất là nước. Vậy mà chẳng hiểu sao nước lại từ hướng cậu bé té lên người mình. Thanh Trúc đảo mắt nhìn xung quanh, quả nhiên ngoài hai người ra thì không còn một ai khác bên cạnh.
Thím Mười vẫn lúi húi nấu cơm trong bếp.
Thanh Trúc nuốt nước miếng, cô bắt đầu sợ hãi nơi này, xương sống lạnh buốt đến tận tuỷ. Cố gắng kìm nén nỗi sợ vào trong, cô nói với cậu bé.
– Vào nhà đi, chị về đây.
Thằng bé gật đầu.
Thanh Trúc không dám ngoảnh lại nhìn, cô leo tót lên xe phóng ra khỏi cổng. Bên tai cô toàn văng vẳng những tiếng thét chói tai, khi lại biến thành giọng cười the thé, âm vang đến nỗi đôi tai của cô muốn ù đi vì nhức óc.
Vừa đạp xe ra khỏi mảnh đất nhà thím Mười, do quá hoảng hốt nên Thanh Trúc không chú ý nên xém chút đâm phải bà Phấn đang đi hướng đối điện.
Thanh Trúc vội phanh xe lại và hỏi:
– Cháu xin lỗi bà, cháu sợ muộn giờ làm nên đạp xe nhanh quá.
Bà Phấn nhìn Thanh Trúc từ đầu đến chân, xong lại nhìn về hướng nhà con gái mình, ngạc nhiên hỏi:
– Mới sớm ra cháu đi đâu mà mình mẩy ướt nhẹp hết thế kia?
Bà ấy không phải lo lắng cho Thanh Trúc nên mới hỏi, mà bởi quanh đây chỉ có mỗi nhà con gái bà ấy chính là nhà của thím Mười.
Thanh Trúc đáp:
– Dạ, mẹ bảo cháu mang rau sang giao cho nhà cô Mười.
Bà Phấn như hiểu ra ngay vấn đề, sắc mặt có chút tái nhợt trông rất khó coi, song bà ấy không nói thêm câu gì, chỉ xua tay ra hiệu cho Thanh Trúc về trước, còn mình đến nhà con gái chơi.
Thanh Trúc cũng đạp xe đi thẳng.
Do phải quay về nhà thay bộ quần áo khác nên Thanh Trúc đã bị muộn giờ làm, cô đành chọn đi đường tắt. Con đường tắt duy nhất dẫn đến lò gạch chính là đoạn đường băng qua cánh đồng của làng và cô phải đi ngang qua chỗ ngôi miếu hoang.
Xe vừa lướt ngang qua chỗ ngôi miếu thì Thanh Trúc gấp gáp phanh xe lại, hai chân thõng xuống quệt ma sát vào mặt đường cả đoạn thì xe mới chịu dừng hẳn.
Cô ngẫm nghĩ trong đầu:” Ai thế nhỉ? Ai đứng ở đằng kia trông thấy quen quen?” Cô ngoảnh lại nhìn người thanh niên kia, càng nhìn càng thấy quen mắt.
Trúc cất tiếng gọi:” Này anh gì ơi? Đứng đó làm gì thế?” Người đó vẫn không quay lại. Tuy mặt trời đã nhô lên và bắt đầu xuất hiện những tia nắng ban mai đầu tiên chiếu xuống, song đoạn đường này chưa thấy một ai đi ngang qua, ngoài cô. Thanh Trúc tự dưng so vai rùng mình ớn lạnh, lông tóc trên người dựng đứng.
Nhiều lần toan chẹp lưỡi đạp xe đi tiếp nhưng không hiểu sao đúng lúc ấy xe đạp của cô bị tuột dây xích. Thanh Trúc bước xuống, lầu bàu trong miệng:” Hôm nay là ngày gì thế không biết, chẳng nhẽ gặp xui tới hai lần?” Lời cô vừa dứt, một làn gió lạnh buốt thổi tới sau gáy, kèm theo câu nói đầy chế/t chóc ma mị:” Nó chế/t rồi!” Rồi im bặt, chỉ còn tiếng gió rít ù ù bên tai cô.
Tay cô khựng lại theo câu nói, toàn thân bắt đầu run lên như cầy sấy. Cô từ từ xoay người lại nhìn về phía chỗ cậu thanh niên kia đứng. Song đã thấy cậu cậu ấy xoay người lại tự bao giờ, đang đứng đối diện trước mặt cô.
Đôi mắt Trúc mở to tròn, thốt lên đầy kinh ngạc:
– Trời ơi, là thằng Giang. Thằng quỷ sứ, mày muốn hù chết tao hả Giang?
Thình lình đầu cậu ta nghẹo sang một bên, miệng há hốc, cặp mặt trợn trừng đôi lòng tử trắng dã. Xác nó chết cứng đơ.