Chương 9:
Tam thẩm đứng phắt dậy, giơ ngón tay chỉ vào ta, nhưng vóc dáng thấp bé của bà khiến bà trông chẳng có chút uy lực nào. Ta ưỡn thẳng n.g.ự.c, nhìn thẳng bà.
“Tam thẩm chưa nghe qua chuyện ta dùng d.a.o giec lợn để cạo đầu người sao?”
Lập tức, bà im bặt, quay lưng bước vào trong nhà.
Chỉ một lát sau, bà quay ra với vài đồng bạc lẻ, không mấy vui vẻ khi đưa bạc cho ta.
“Ngũ Lang cưới phải một nương tử hung dữ rồi…,” bà lẩm bẩm.
“Ta sẽ về nhà cân lại số bạc này. Nếu thiếu, ta sẽ quay lại. Tam thẩm cũng giúp ta nhắn với các nhà khác, ai nợ nhà ta thì đến mà trả. Những nhà thực sự nghèo khó thì có thể bỏ qua, nhưng nếu ai có tiền mà không trả, đừng trách ta không nể tình. Sau Tết, ta dự định cho Đại Lang đi học. Ai nợ nhà ta, phải trả đủ không thiếu một đồng.”
Ta dắt tay Tú Nhi bước ra khỏi nhà.
“Cho đi học? Ngươi nghĩ quá cao rồi đấy! Ngươi tưởng đọc sách thì ai cũng đọc được sao? Chỉ riêng tiền học phí mỗi năm ngươi có biết là bao nhiêu không? Chỉ là một mụ kế mẫu, đóng vai khéo thế, lại đòi cho đi học…”
Tiếng chửi rủa của tam thẩm dần khuất sau lưng ta.
Nhà bà có một đứa cháu trai đang học trong thành, sao cháu nhà bà thì đọc sách được, còn con nhà ta thì không?
Ta chưa bao giờ vào phòng của Đại Lang, dù gì nó cũng đã lớn, là con trai, ta không tiện vào. Nó là đứa ít nói, ngoài làm việc nhà thì chỉ ở trong phòng, ta cũng chẳng biết nó làm gì trong đó.
Nhưng hôm trước, trời đẹp, Tú Nhi mở cửa sổ thông gió cho hắn, ta nhìn thấy trên bàn hắn có hai cuốn sách. Ta không biết chữ, nên không rõ đó là sách gì, chỉ biết những cuốn sách ấy đã cũ rích, rách nát, chắc hẳn hắn thường xuyên đọc.
Ta đã nói rồi, đứa trẻ này không phải là người có thể đi săn bắn. Không ngờ, nó lại thích đọc sách.
Vậy thì cứ đọc đi!
Con người sống cần phải có mục tiêu chứ!
Ta không ngờ Đại Lang lại đứng bên ngoài tường nhà tam thẩm. Đứa trẻ này cao gầy, quần áo mặc không vừa vặn, lủng lẳng trên người.
Khi thấy ta và Tú Nhi bước ra, hắn mấp máy môi, như định nói gì đó nhưng rồi lại thôi.
Ta dắt tay Tú Nhi đi trước, hắn lặng lẽ theo sau.
Nhà cửa trong làng tường thấp, giọng của tam thẩm lớn như thế, hàng xóm có lẽ đều đã nghe thấy. Chắc chắn Đại Lang cũng nghe được.
“Mẫu thân, con đến tìm người…”
“Con định nói là ngày mai sẽ không vào thành cùng chúng ta nữa, phải không? Để ta khỏi phải nộp tiền cọc cho con?”
“Không phải, con định nói là muốn cùng mẫu thân và Tú Nhi vào thành.”
“Giờ con có muốn đi thì ngày mai cũng không đi được nữa. Con xem, mẫu thân đã đắc tội với tam thẩm con rồi.”
Cả ba lại rơi vào im lặng.
Trời nhanh chóng tối sầm lại.
Tống Toàn không có nhà, ta và Tú Nhi cùng ngủ chung giường.
Nàng nằm trên giường, ta đặt chậu nước lên ghế để gội đầu cho nàng.
Đôi mắt nàng mở to, yên lặng nhìn ta, một lát sau, nàng dùng đôi tay nhỏ nhắn gầy gò khẽ chạm vào tay ta. Ta nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng, nàng mỉm cười mà không phát ra tiếng.
Nàng có một con búp bê bằng vải trắng, trên đó được thêu đôi mày, mũi, miệng và mái tóc đen nhánh. Mỗi tối nàng đều ôm búp bê khi ngủ.
Tú Nhi không nói được, nhưng ta biết con búp bê ấy là do mẫu thân của nàng làm cho.
Trên người búp bê có lẽ vẫn còn vương lại mùi của mẫu thân nàng?
Một đứa trẻ như vậy, ai lại không xót xa cho được?
Ngay lúc đó, có tiếng gõ cửa vang lên.
Ta mở cửa phòng, đứng bên ngoài là Đại Lang.
“Mẫu thân thật sự định cho con đi học ạ?”
Hắn không vào nhà, chỉ đứng ngoài ngưỡng cửa, ánh đèn trong phòng chiếu lên người hắn. Trong mắt hắn như chứa cả những vì sao, lúc này đây hắn khác hẳn với ngày thường, toát lên sức sống của một thiếu niên ở tuổi dậy thì.
Hắn đúng là con trai của phụ thân hắn, ta thầm nghĩ, họ giống nhau đến vậy.
“Thật đấy.”
“Tại sao?”
“Chẳng phải con thích đọc sách sao?”
“Mẫu thân có biết việc đọc sách tốn bao nhiêu tiền không?”
“Ta không biết, nhưng ta nghĩ chuyện này cũng chẳng phải điều con cần bận tâm.”
“Mẫu thân…”
“Con cũng không cần nghi ngờ tấm lòng của ta và cũng không cần phải cảm ơn. Nếu con học giỏi, sau này có được chức quan, nhà họ Tống ta sẽ được đổi đời. Đứa con trai sau này của ta cũng sẽ không phải là con nhà thợ săn nữa. Đại ca nó là người làm quan, nó cũng sẽ có cơ hội được học hành và nếu là con gái, có đại ca làm quan, nó nhất định sẽ gả được vào nhà tốt.”
“Nếu con học không giỏi thì sao?”
“Cùng lắm thì sau này con cũng có thể làm phu tử. Nếu không làm quan được, con có thể mở trường học ở quê, dạy trẻ con biết chữ cũng là điều tốt. Chẳng phải con vừa nói học hành tốn nhiều tiền sao? Đến lúc đó con kiếm được tiền, nuôi ta, phụ thân con và Tú Nhi là được.”