8.
Thôn Đào Thủy đã có người mất.
Người đầu tiên là Chu Đại Lăng, kẻ ăn xin khắp làng.
Trước kia, mỗi trưa, hắn lại đi quanh thôn, gõ bát xin ăn trước cửa các nhà. Hắn tính tình hiền lành, ai cho thì hắn vui vẻ nhận, ai không cho thì cũng chẳng giận, chỉ cúi người chào rồi rời đi.
Vì vậy, dân thôn Đào Thủy ai cũng thương hại hắn.
Thế nhưng, một ngày nọ, người trong thôn nhận ra đã mấy hôm không thấy bóng dáng hắn.
Một người tốt bụng đi tới ngôi miếu hoang nơi hắn trú ngụ, chỉ thấy thi thể lạnh lẽo của Chu Đại Lăng.
Quan sai trong trấn tới, bịt kín mũi miệng, thảo luận với lý chính điều gì đó. Nghe xong, lý chính mặt mày tái mét, chân đứng không vững.
“Mau, mau, mau về nhà mà trốn đi, đây là ôn dịch.”
Nhưng dù trốn kỹ, người ta vẫn phải thở, mà ôn dịch lại là loại quỷ ẩn mình, khi phát hiện ra nó, nó đã xuất hiện từ lâu.
Thế là, từ người đầu tiên, rồi đến người thứ hai, dần dần, người thứ ba, thứ tư, thứ năm…
Lão Điền tính tình kỳ quặc cuối cùng cũng không chịu được nữa, ông ta bịt kín mũi miệng, mò mẫm từng bước đến châm cứu cho những người mắc bệnh trong thôn.
“Ta từng châm ch/ết người, các ngươi có sợ không?”
Đến nhà nào, ông cũng hỏi câu ấy.
Đến nước này rồi, ngựa ch/ết phải chữa như ngựa sống, người dân nào còn sợ nữa, không chỉ không sợ mà còn thúc giục ông mau châm cứu.
Lão mù tìm huyệt châm cứu, vừa châm vừa bảo: “Dưới gốc cây hoè lớn, Thu Muội đang nấu thuốc đấy, mau mà lấy uống, không lấy tiền đâu. Nhớ nhé, đó là bạc nhà lão Trần bỏ ra, phải biết ơn.”
Tiệm hoành thánh của Trần gia làm ăn phát đạt, Vương Hành lại không có ở đây, ta đành tự ý lấy số bạc ấy để giúp đỡ.
Bạc hết có thể kiếm lại, nhưng người mất thì chẳng thể sống lại. Ta tin rằng Vương Hành và ta đều có chung suy nghĩ này.
Châm cứu xong, uống thuốc rồi, bệnh nhân dần khỏe lại, nhưng ôn dịch quá dữ dội, sức lão mù có hạn, trong khi người sốt ở thôn Đào Thủy lại ngày càng nhiều.
Tổ mẫu và Mã nãi nãi tiếp nhận việc nấu thuốc, còn Thu Muội cũng đi châm cứu cho bệnh nhân. Người đầu tiên cô bé cứu sống là đứa con trai thứ hai nhà Trương quả phụ.
Đúng như cô bé từng nói, giờ đây, dân làng đều đến cầu xin Thu Muội châm cứu.
Vương Hành tháng mười một đã đi tới Tùy Châu, không có tin tức gì, khiến ta vô cùng lo lắng. Giờ ôn dịch đã làm lòng người hoảng sợ, nghe nói ngay cả trong cung cũng có người phát sốt.
Hắn một mình bôn ba, lại là công tử quen sống trong nhung lụa, không biết chăm sóc bản thân, thì sao có thể chịu đựng được?
Aiz…
Đông giá đã đến, lòng ta dần dần không yên. Một nỗi sợ chưa từng có, như con rắn nước, cứ âm thầm, lạnh lẽo bủa vây lấy ta mỗi ngày.
Ta đã mơ thấy ác mộng.
Không, không phải, là tổ mẫu ta đã mơ thấy ác mộng.
Tháng chạp, tổ mẫu nhiễm phải dịch bệnh, sốt cao không hạ, rơi vào mê man.
Nhờ uống thuốc tiểu sài hồ mà cả nhà ta đều bình an vô sự, Đông Bảo có sốt hai đêm nhưng nhanh chóng hồi phục, vui vẻ hoạt bát trở lại.
Chỉ có tổ mẫu là bệnh tình không thuyên giảm, châm cứu, uống thuốc đều đã làm, nhưng bà vẫn mê sảng, dường như mất trí.
Bà khi thì nhắm mắt, lặng lẽ khóc nức nở: “Ông ơi, ta có lỗi với ông. Con cả chúng ta chết thật thảm thương, con gái thì bị người ta ức hiếp, ta làm ma cũng chẳng dám gặp ông.”
Khi thì bỗng mở to mắt, nghiến chặt răng: “Không xong rồi! Phủ Quốc công bị tịch biên! Chúng ta chịu ơn họ, phải bán cả nồi niêu xoong chảo cũng phải cứu giúp họ!”
Mã nãi nãi ngồi bên cạnh khóc như mưa, nắm chặt tay tổ mẫu, nghẹn ngào: “Lý Đại Hoa, tỷ là tỷ tỷ ruột của ta, tỷ mà có chuyện gì, ta cũng không sống nổi nữa!”
Thu Muội vừa khóc vừa mời lão mù đến: “Điền gia gia ơi…”, ta cũng nghẹn ngào, không biết nên nói gì.
Lão mù chỉ phất tay: “Cứu người gấp rút, bớt nói lời thừa.”
Chưa hết một nén nhang, tổ mẫu ta đã bị châm cứu thành con nhím, đầu, trán, cánh tay, chân và lòng bàn chân đều bị châm. Mỗi khi lão mù châm một mũi, cả nhà ta lại rùng mình một cái.
Nhìn người thân chịu khổ, cái cảm giác đó, ai từng trải qua mới hiểu thấu.
May thay, trời còn thương, nửa đêm tổ mẫu ta toát mồ hôi, yếu ớt thều thào gọi một tiếng “đói”.
Ta sờ lên trán bà, A Di Đà Phật, hạ sốt rồi.
Trận ôn dịch chưa từng có này kéo dài từ cuối đông đến đầu xuân, nghe nói đã cướp đi sinh mạng của mười vạn người. Ngay cả lão Hoàng thượng cũng nhiễm phải, dù có ngự y chăm sóc, cuối cùng ông cũng hồi phục, nhưng sau trận bệnh này, sức khỏe của ông đã không còn như trước.
Bầu trời kinh thành, có lẽ lại sắp thay đổi
Đêm giao thừa, thư của Vương Hành mới đến muộn màng. Trong thư, hắn nói lần này đi xa gặp phải chuyện không thể tránh, nhưng đến tháng ba, khi ta tròn tuổi cập kê, hắn nhất định sẽ về kịp.
Thế là ta đếm từng ngày trôi qua, một ngày, hai ngày, ba ngày—
Nhưng đến khi hoa dại trên núi đã nở, ngày ta cập kê cũng gần kề, hắn vẫn chưa trở về.
Thư viện Cô Trúc vì dịch bệnh đã sớm cho nghỉ, quán hoành thánh trên trấn cũng đóng cửa từ lâu.
Ta không thể kìm lòng, đành đến khách điếm Thanh Phong tìm hắn.
Tiểu nhị che mũi, đẩy cửa một gian phòng, vẻ mặt lo âu nói với ta: “Vương công tử mới trở về hôm qua, nhưng ngài bị nhiễm ôn dịch, đang phát sốt.”
(Đoạn này tui đổi xưng hô cho tình củm-)) )
Thì ra là vậy.
Tháng ngày qua, thanh kiếm sắc treo lơ lửng sau gáy ta cuối cùng cũng đã rơi xuống vào lúc này.
Ta từng bước chậm rãi tiến tới, như trân bảo, từ từ đến bên giường chàng.
Chàng nằm yên ở đó, dung mạo như tranh, thanh tú như ngọc, chính là vị công tử mà ta đã đem lòng yêu mến từ lần đầu gặp gỡ.
Trong vở kịch người ta hay nói: “Biết yêu sắc đẹp, thì ngưỡng mộ người trẻ trung.”
Chàng là công tử tuấn tú, cao quý như vậy, ta chỉ là một thôn nữ, làm sao không yêu được?
Nếu không phải ta sớm đã động lòng, thì khi không biết thân phận chàng, ta sao có thể tự tay làm một chiếc mũ da cáo tặng chàng?
Chỉ bởi vì tình yêu không biết bắt đầu từ đâu, từ lần đầu gặp gỡ, ta đã muốn dùng đôi bàn tay đầy vết chai sần của mình, sưởi ấm cho chàng trong đêm dài lạnh lẽo, cùng chàng chia sẻ những ngày mưa nắng gian truân.
Nếu có phúc ba đời, ta sẽ vì chàng mà thêm áo, nấu cơm, sinh con đẻ cái, và cùng chàng làm những việc chỉ có phu thê mới được làm nơi thế gian.
Cho nên, chàng không thể nằm đây lạnh lẽo, cô độc như thế.
Ta, Trần Xuân Muội, nhất định phải đưa chàng, Vương Hành, bình an vô sự, trở về thôn Đào Thủy.
Có lẽ là ý trời, ta mang theo hộp trang sức bên mình.
Ta nhờ tiểu nhị mang chúng đi cầm để mời thầy thuốc giỏi nhất trong trấn đến.
Sau khi chẩn mạch, thầy thuốc không khỏi nhíu mày: “Công tử trước đây có bị thương không? Nếu không, sao bệnh lại nặng đến thế?”
Lòng ta đột nhiên thắt lại: “Xin ngài hãy xem kỹ thêm.”
Thầy thuốc gật đầu, rồi vén áo chàng lên. Những vết thương đỏ thẫm hiện ra, khiến ta không thể rời mắt.
“Những vết roi này, có vẻ đã ba bốn năm rồi.” Thầy thuốc lẩm bẩm.
Đã ba bốn năm sao?
Ba bốn năm trước, kẻ có thể làm chàng bị thương, ngoài Vương gia ở Thanh Châu đuổi chàng ra khỏi gia môn, còn có ai khác?
Công tử của ta—
Khi còn trẻ, áo mỏng nhẹ nhàng, cưỡi ngựa truy phong.
Chàng thanh cao, kiêu ngạo là thế, mà lại phải một mình, trong đêm dài vô tận, như con thú hoang đơn độc, lặng lẽ liếm vết thương của mình.
Ta ngẩng đầu, cố đẩy nước mắt ngược trở lại, gượng ép một nụ cười, khẩn thiết cầu xin thầy thuốc: “Xin ngài mở lòng từ bi, kê cho chàng một phương thuốc.”
“Ôi, đừng khóc nữa, lão phu sẽ kê đơn ngay thôi. Cháu gái ta cũng tầm tuổi cô, lão không thể nhìn con bé nào rơi nước mắt.”
“Hu hu…”
Thầy thuốc giật mình: “Nói không khóc, sao lại khóc to hơn thế này?”
Kê xong đơn thuốc, nhờ tiểu nhị đi mua thuốc. Trước khi rời đi, thầy thuốc dặn ta: “Cậu ta là huynh trưởng của cô sao?”
Ta buột miệng: “Đây là vị hôn phu của ta.”
Thầy thuốc vuốt vuốt râu, “Thế thì tiện rồi, nửa đêm cô phải cẩn thận một chút, đừng để hắn sốt trở lại. Chỉ cần qua được đêm nay, uống thuốc thêm vài ngày nữa, rồi từ từ tĩnh dưỡng một hai tháng, ắt sẽ không sao.”
Ta cúi đầu cảm tạ, tiễn thầy thuốc ra khỏi khách điếm.
Đi được vài bước, thầy thuốc vẫn còn quay lại nói: “Con bé này mắt tinh hơn cháu gái ta, chọn được vị hôn phu tốt đấy.”
Đêm ấy, ta hoàn toàn không có ý định ngủ.
Vì sau khi thầy thuốc đi, Vương Hành lại lên cơn sốt.
Ta cởi áo chàng, liên tục dùng khăn ấm lau người cho chàng, hết lần này đến lần khác đút nước cho chàng uống.
Nhưng sắc mặt chàng càng lúc càng tái, uống thuốc vào mà lại chẳng toát được chút mồ hôi nào.