Trùng Tang

C1: Chết Bất Ngờ



Tôi nhớ năm đó, vào một đêm mưa như trút nước giữa tiết trời tháng 5. Nửa đêm tôi đang ngủ, bỗng có tiếng điện thoại đổ chuông trên bàn. Tôi lật đật ngồi dậy, với điện thoại làu bàu trong miệng:” Không biết ai gọi đến giờ này nhỉ..?” Vừa mở nút nghe tiếng mẹ tôi khóc nấc trong điện thoại vọng lại, biết có việc gì đó chẳng lành tôi gấp gáp hỏi.

– Mẹ, bố lại uống rượu về chửi mẹ nữa hay sao ạ?

Đầu dây bên kia mẹ tôi lắc đầu, sụt sùi một lúc mãi mới nói.

– Bình ơi, về nhà ngay đi con. Chị dâu con.. nó.. nó.. nó.. đi rồi..!

Tôi chết lặng, tưởng mình đang nghe lầm, nghĩ mẹ muốn tôi về quê hối thúc lấy vợ. Tôi nói với mẹ.

– Mẹ đùa con phải không? Để con về nhà. Mẹ yên tâm, cuối tuần này con xin nghỉ phép, ở nhà cả tháng cho mẹ chán mặt con thì thôi.

Mẹ vẫn sụt sịt, mếu máo nói trong điện thoại.

– Không phải, mẹ nói thật chứ không đùa. Con về mà nhìn mặt chị dâu con lần cuối.

Lần này tôi xém làm rơi điện thoại. Vâng vâng dạ dạ vội vàng đi thay đồ, mặc chiếc áo mưa leo lên xe phóng về quê giữa đêm mưa gió. Không biết đang yên đang lành, chị dâu tôi tại sao lại chết, mới tháng rồi tôi ghé nhà vẫn thấy chị khỏe cơ mà…?

Lạ thật!
—-

Gần 3h sáng ở quê.

Bầu không khí tang thương bao trùm lên cả căn nhà hai lầu khang trang nhất thôn. Bên trong, tiếng gào khóc, tiếng gọi con cháu văng vẳng bên tai mỗi người nghe buồn đến xé lòng. Bố tôi ngồi trầm ngâm trên bàn không nói gì, hai mắt đỏ hoe đờ đẫn nhìn xa xăm, vừa xót con dâu vừa tiếc thương đứa cháu nội chưa kịp chào đời.

“ Thằng Tú và thằng Bình về chưa? “ tiếng bố hỏi trên hiên.

Cô tôi chạy ra, đáp vọng vào:

– Dạ chưa anh cả, hai đứa nó chưa có về.

– Làm gì báo cả mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chưa mò mặt về? Chúng nó làm đâu có xa nhà là mấy?

– Trời mưa to quá, thôi thì hai mẹ con cháu Vân đằng nào cũng đi rồi, tụi nó chạy xe an toàn vẫn hơn mà anh.

Bố im lặng, tay chắp sau mông đi qua đi lại trên hiên, một lúc sau đi vào nhà, ngồi kéo điếu thuốc lào rít lên từng hơi.

Gần 5h sáng tôi và anh Tú mới về tới nhà. Thấy tiếng xe máy ngoài cổng mẹ đã vội chạy ra, giơ hai tay lên quá đỉnh đầu, ngước mắt lên trời, hạ tay xuống đập vào đùi bộp bộp than trời.

– Ôi trời ơiiii… con dâu và cháu tôi, chúng nó có lỗi gì mà ông trời nỡ bắt chúng đi.. cháu ơi là cháu, con ơi là con.. mẹ làm sao mà sống nổi đây? Huhu huhu huhu huhu..

Hồi chị dâu còn sống, bố mẹ quý chị lắm. Tuy chị dâu không xinh đẹp trắng trẻo như những cô gái trên thành phố, xong bù lại chị khá đảm đang tháo vát công việc đồng áng, gia đình. Anh tôi không mấy mặn mà cuộc hôn nhân này, anh là người có ăn học, sau khi ra trường anh xin làm thông dịch viên cho một công ty xuất nhập khẩu trên thành phố. Tình duyên lận đận, mãi anh tôi chẳng chịu lấy vợ, tới năm 35 tuổi bố mẹ quyết định bắt anh tôi lấy vợ cho bằng được, nếu không ông bà sẽ từ mặt. Trải qua bao mối tình không thành, anh tôi chán cảnh yêu đương hẹn hò nên phó mặc bố mẹ muốn chọn ai thì chọn.

Bố chạy ra, nói với hai anh em.

– Thôi, hai đứa mau vào nhìn mặt cái Vân lần cuối đi, sắp tới giờ khâm liệm rồi đấy.

Chúng tôi gật đầu, vào đến nơi thấy chị Vân nằm cứng đơ trên giường, bụng phình to vượt mặt, to hơn cả bà bầu đến ngày sinh, trong khi chị bầu mới hơn 5 tháng. Toàn thân tái nhợt, môi bạc phếch, chân tay co quắp, miệng há hốc mắt trợn trừng trừng không chịu khép. Chiếc áo bầu vừa thay mặc vào người đã bị nước bên trong rỉ ra, ướt sũng.

Cô tôi bảo:” Hai mẹ con nó bị chết đuối, nên bụng sình to, nước trong người chảy ra, thấy mấy cái áo mà vẫn ướt. Thoa hết hai chai dầu gió nắn bóp chân tay cho thẳng mà vẫn không tài nào duỗi ra được.”

Chẳng là, mấy hôm trước chị Vân có xin phép bố mẹ tôi về nhà ngoại trước mấy ngày làm đám giỗ bố mình. Chẳng biết đi đứng thế nào mà cả người cả xe lao xuống ao trong làng. Lạ hơn nữa, thường ngày chị Vân biết bơi, đáy ao cũng không sâu lắm, mùa mưa nước đầy đứng gần tới cổ là cùng. Vậy mà chị vẫn chết đuối. Bố mẹ cứ tưởng chị qua đến nhà ngoại nên không gọi điện hỏi, hẹn hôm giỗ sẽ qua sau. Chỉ đến khi ngày giỗ diễn ra mẹ chị vẫn không thấy con gái về, bác ấy lo lắng gọi điện sang hỏi mẹ, cả nhà mới toá hoả đi tìm. Hôm biết chị Vân mất tích cũng đã được 3 ngày, một người dân trong làng đi soi ếch đêm vô tình thấy xác chị nổi lập lờ cạnh bụi cỏ gần bờ, mới tri hô người tới vớt xác.

Tôi chạy đến, nắm bàn tay lạnh ngắt của chị Vân oà khóc như một đứa trẻ. Mới ngày nào tôi về thăm nhà, chị bắt con gà ngon nhất chuồng làm thịt đãi tôi, còn gắp cho tôi cái đùi to thơm phức, thúc tôi ăn. Từ giờ nhà vắng tiếng chị, thiếu luôn cả những bữa cơm đạm bạc do tay chị nấu.

Anh tôi thì khác, ngồi phệt xuống ghế ôm đầu xoa tóc, những tiếng thở dài vang lên đều đều. Tôi cũng không biết, trong đầu anh nghĩ gì, mà cảm nhận anh ấy nhìn chị dâu bằng ánh mắt không cảm xúc.

Một lúc sau, ông thầy cúng trong làng đội mưa đến. Vừa nhìn thấy xác chị ông đã quát:” Sao không vuốt mắt cho cô ấy đi, cứ để người ta chết không nhắm mắt vậy sao?”

Mẹ chị Vân qua từ khi hay tin con gái chết, ngoảnh lại nói trong tiếng nấc:” Dạ, chúng tôi làm rồi, nhưng mà mắt con bé vẫn không chịu nhắm.”

Ông thầy cúng đi tới, nói tôi:” Cậu xê ra đi, để tôi thử.”

Ông ấy ngồi bên cạnh, bắt đầu làm lễ mộc dục, cầm cây lược chải nhẹ lên mái tóc cho chị, sai người nhà dùng rượu lau toàn thân, thay cho chị chiếc áo mới. Nắn bóp cả hơn 30p cuối cùng hai cánh tay của chị mới chịu duỗi ra, bình thường như bao người chết khác. Làm xong, ông thầy cúng quay qua, nói với mọi người.

– Ai có thỏi son thì mang lại đây, thoa cho cô ấy một chút. Rõ khổ, khi sống chưa từng mua son, chưa từng đánh phấn, thì khi chết hãy để cô ấy thật đẹp.

Chị Nhung con bác Công ( bác Công là anh ruột của bố) chạy đến, tay run rẩy cầm cây son thoa lên bờ môi nguội lạnh mà không khỏi ớn lạnh. Ông thầy cúng thấy vậy, nhắc nhở.

– Cứ bình tĩnh mà làm, hãy xem như cô ấy đang nằm ngủ, chứ không phải trang điểm cho người xác chết.

Anh tôi nghe xong câu đó lặng người, lấy chị làm vợ hơn hai năm mà anh chưa bao giờ hỏi vợ mình thích gì mình mua tặng, mỗi dịp lễ hay tết. Cũng chưa bao giờ mua cho chị thỏi son hay bó hoa trong ngày sinh nhật, đến khi chết chị vẫn là một cô gái thôn quê bình dị đúng nghĩa.

Chờ tô son xong ông thầy cúng làm lễ ngậm hàm. Bảo mọi người ngồi khép chân dưới đất, chỉ có anh Tú và tôi phải quỳ. Tôi thấy ông ấy dùng gạo nếp và 3 đồng tiền vàng mẹ tôi đưa cho lần lượt tra vào bên trái, bên phải và chính giữa miệng chị Vân. Nhà tôi thuộc diện gia đình khá giả nhất nhì thôn, nên mấy đồng tiền vàng hồi xưa ông bà tổ tiên để lại vẫn còn một ít. Xong đâu đó ông ấy bóp miệng chị lại, lầm rầm câu gì đó trong miệng tôi nghe không rõ. Tay vuốt mặt xuôi nhẹ một cái, mắt chị và cả miệng đều khép lại.

– Quan tài đưa tới chưa? _ Ông thầy cúng hỏi.

Bố tôi ngoài sân cuống cuồng kêu người đặt quan tài vào trước cửa nhà. Có mấy lời bàn tán xôn xao, rằng” Chị Vân chết bên ngoài nên kiêng cữ không được đưa quan tài vào trong nhà, chỉ kê ngoài hiên, như vậy vận xui mới không đeo bám gia chủ.” Bố mẹ tôi mặc kệ, bỏ ngoài tai mấy lời đấy. Trong lúc khâm niệm ông thầy cúng nói một loạt những năm sinh không được đến gần, vì nghĩ.. những người hợp tuổi hay yếu bóng vía rất dễ bị vong người chết nhập vào. Cũng căn dặn những ai khóc nhiều đứng qua một bên, tránh không cho nước mắt rơi vào thi thể. Khâm liệm xong mọi người khiêng xác chị Vân lên nhà, từ từ đặt thi thể chị ngay ngắn vào bên trong quan tài. Thầy cúng bảo chị dâu tôi chết vào giờ xấu nên trước khi đậy nắp quan, ông ấy đặt bên cạnh chị Vân một quyển lịch đỏ để đàn ác ma quỷ.

Tiếng kèn trống nổi lên giữa màn đêm khuya vắng, muốn át đi tiếng mưa rơi rả rích ngoài trời. Bố phát cho tôi và anh Tú chiếc khăn trắng, dặn đeo lên đầu để tang chị.
—-

Hơn 8h sáng chiếc xe táng đậu ngoài cổng. Quê tôi đám ma vẫn giữ truyền thống đưa tiễn người chết bằng xe táng. Hễ nhà nào có người chết cũng ghé Đình làng đẩy chiếc xe táng về, đặt quan tài người chết đẩy đi chôn. Cúng cầu siêu xong người ta khiêng quan tài chị Vân ra ngoài cổng, đặt bát cơm quả lồng với quả trứng để giữa hai cây đũa bông cắm thẳng, bên cạnh có thêm một nải chuối cắm nhang. Năm ngoái, khi bà nội mất, tôi có hỏi vì sao phải đặt nải chuối trên quan tài thì mẹ tôi bảo” các cụ quan niệm chuối mang tính âm, dùng âm để tiễn âm đi.”

Chẳng biết, do không nhìn thấy hòn đá trên lối đi hay do chị dâu còn điều gì muốn nói. Mà vừa khiêng quan tài ra đến cổng, chưa kịp đặt lên xe bỗng một người phía trước vấp vào hòn đá, chùn chân ngã nhào về phía trước, làm ba người khiêng quan tài đi cùng mất đà ngã theo. Bát cơm, nhanh, nải chuối rơi xuống đất văng tung toé. Mẹ chị và mẹ tôi chạy đến ôm quan tài khóc rần trời.

Những lời than vãn khóc lóc vang lên.

Khung cảnh bát nháo như cái chợ, người ta đồn chị dâu chết oan nên chưa muốn đi, có người lại bảo chị còn tâm nguyện chưa làm xong, người thì bảo mang thai chết sẽ rất linh. Tôi hoang mang nhất khi nghe ông bác trong họ phán rằng” Chị dâu chết vào giờ Trùng Tang”. Nghe nói nhà nào bị Trùng Tang người chết vào giờ thần trùng sẽ quay về bắt người nhà đi cùng, nâu thì 1 năm, chậm thì 3 tháng nhanh hơn thì 1 tháng hoặc 1 tuần. Người ta gọi là TRÙNG TANG LIÊN TÁNG. Đó là tôi nghe mấy bác trong dòng họ kể lại mỗi khi đi tảo mộ gia tiên trong những dịp tết đến xuân về.

Bố tôi quát:” Chú đừng có phán bậy, Trùng cái gì mà Trùng. Nó phận dâu con, chứ đâu phải chung huyết thống mà bảo Trùng Tang..?”

Chú ấy cãi:” Ấy thế bác quên là trong bụng cái Vân đang mang cốt nhục của dòng họ Hoàng nhà chúng ta hay sao? Trừ khi thai đó không phải cốt nhục nhà họ Hoàng, thì em tin, nó không chung huyết thống. Còn không, đứa bé trong bụng cái Vân chính là sợi dây liên kết dẫn đến trùng tang.”

Cả nhà tôi, lại được một phen lo lắng.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner