Xuân Phong

Chương 2



Lý Ngộ kéo ta dậy: “Tiểu Phong, đi, ta dẫn ngươi đến một nơi.”

“Ngươi không thể gọi ta là Tiểu Phong.”

“Nhưng ngươi gọi ta là Tiểu Ngộ mà.”

“Ta là trưởng bối.” Ta làm ra vẻ nghiêm túc.

“Vậy ta gọi ngươi là tỷ tỷ nhé. Ta luôn muốn có một người tỷ tỷ.”

Ta vẫn lắc đầu: “Ngươi không thể gọi ta là tỷ tỷ.”

“Tại sao?” Lý Ngộ thắc mắc, nhìn ta chẳng khác gì tỷ tỷ hắn cả.

Ta trầm tư một lát, rồi lưỡng lự nói: “Tính ra… ta nên là tiểu nương của ngươi.”

” y da, đừng lo nghĩ nhiều như vậy. Đi nào, ta đưa tỷ đến một nơi thú vị. Chắc chắn tỷ sẽ thích!” Lý Ngộ kéo ta chạy đi, gió nhẹ thổi qua mặt, làm tóc ta bay lên, khiến ta nhớ đến cơn gió ngoài Ngọc Môn quan.

Gió ở Ngọc Môn quan không dịu dàng và nhẹ nhàng như gió Trường An. Gió ở đó mạnh mẽ, đủ để cuốn theo hàng trượng cát vàng, đủ mạnh để hất người khỏi lưng ngựa.

Ta từng phóng ngựa nơi Ngọc Môn quan, gió cuốn theo cát mịn quất vào mặt. Dù ta đã che mặt bằng khăn và đội nón rộng vành nhưng vẫn cảm nhận được cát vàng rát vào mặt, đau nhói.

Đã lâu rồi ta không cưỡi ngựa nữa.

Lý Ngộ dẫn ta đến bên hồ của Đông Cung. Giữa hồ có một ngọn hòn non bộ lớn, trên đỉnh hòn non bộ là một đình nhỏ.

Đệ ấy tháo một chiếc thuyền nhỏ từ bờ, đưa ta ngồi lên rồi khéo léo chèo về phía đình giữa hồ. Lý Ngộ buộc thuyền vào bờ, kéo ta lên cạn, nhưng không dẫn ta vào đình.

Thay vào đó, đệ ấy kéo ta xuống dưới đình, nơi góc khuất hiện ra một cái động nhỏ. Cửa động hẹp đến nỗi ta phải cố gắng lắm mới lách qua được.

Nếu là người lớn như Thái tử, e rằng phải nghiêng người và cúi thấp mới có thể vào.

Bên trong, khác hẳn với lối vào nhỏ hẹp, không gian rộng rãi hơn nhiều, có thể chứa được bốn, năm người. Trên vách đá treo đầy những bó thảo dược nhỏ được buộc gọn bằng dây gai mảnh. Những hốc đá lớn nhỏ xung quanh chứa đầy những món đồ nhỏ xinh: tượng đất, búp bê gỗ, dao găm nhỏ. Ở giữa là một tảng đá phẳng như mặt bàn, trên đó xếp mấy cuốn y thư, du ký và một bàn cờ.

Ta ngạc nhiên đến mức không thốt nên lời. Ai mà ngờ được trong Đông Cung rộng lớn lại có một chốn bí mật như thế này.

Lý Ngộ đắc ý khoe với ta: “Thế nào? Nơi này không tệ chứ?” Đệ ấy kéo ta ngồi xuống, rồi bắt đầu lục lọi trong đống thảo dược treo trên vách đá.

Đệ ấy gỡ xuống một bó thảo dược nhỏ, bỏ vào cối giã, không biết là lấy cối từ đâu ra. Sau khi giã nát, đệ ấy lấy bã thuốc xanh xanh đắp lên tay ta – bàn tay từng thay đệ ấy chịu đòn. Cảm giác mát lạnh thật dễ chịu.

Tiểu Ngộ thổi nhẹ lên tay ta: “Tiểu Phong, còn đau không?”

Ta lắc đầu: “Hết đau từ lâu rồi.”

“Đây là nơi bí mật của ta. Tất cả những thứ ta yêu thích đều ở đây. Phụ vương quản ta rất nghiêm, không cho ta làm cái này, không cho ta làm cái kia. Khi vui hoặc khi buồn, ta đều đến đây. Ở Đông Cung này ta không có bạn chơi, giờ thì có tỷ rồi. Tỷ là người bạn duy nhất của ta, nhất định đừng phản bội ta nhé. Từ giờ nơi này là của riêng hai chúng ta, tỷ phải giữ bí mật giúp ta đó.”

“Ừm.” Ta ngoan ngoãn gật đầu.

“Chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh thần của ta. Qua sinh thần, ta có thể đến giáo trường để học cưỡi ngựa bắn cung. Tỷ nhất định phải đến xem nhé. Ta chắc chắn sẽ là người học nhanh nhất, giỏi nhất.”

“Đệ muốn học y thuật… phải không?” Ta không kìm được mà hỏi.

“Học y thuật không tốt sao?” Lý Ngộ đáp lại bằng một câu hỏi, “Thầy dạy ta từng nói thầy thuốc cứu người, đó là điều rất đáng kính trọng. Thầy còn dạy rằng gặp thầy thuốc lớn tuổi, phải hành lễ kính cẩn. Nhưng phụ vương không thích ta xem y thư, chỉ bắt ta học sách Tứ Thư, học chính luận. Người nói y thư đối với ta chẳng có ích gì, là đường ngang ngõ tắt, không phải chính đạo, chẳng có Hoàng tử nào cần học y thuật cả. Haizz! Nếu ta sinh ra trong một gia đình bình thường, chắc có thể học y rồi.”

“Học thành tài rồi hành hiệp giang hồ, làm một vị du y, cứu người giúp đời.” Lý Ngộ nói xong, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười ngốc nghếch.

Ta không biết phải nói gì, lòng ta mơ hồ cảm thấy Thái tử nói đúng, nhưng lại thấy học y quả thực là một điều rất tốt. Tứ ca ta cũng từng nói thầy thuốc phải có tâm từ bi.

Thế nhưng, Lý Ngộ, sinh ra trong hoàng tộc, lại không được phép học y, cũng giống như ta sống ở Trường An mà không được phép cưỡi ngựa. Đột nhiên ta cảm thấy giữa ta và Lý Ngộ có một sự đồng cảm kỳ lạ.

Ta muốn hỏi tại sao Lý Ngộ lại muốn học y thuật, nhưng ta không hỏi, vì ta biết tại sao ta lại muốn cưỡi ngựa. Ta nghĩ, tâm trạng muốn cưỡi ngựa của ta có lẽ cũng giống như mong muốn học y thuật của Lý Ngộ. Và nỗi khao khát muốn quay về Ngọc Môn quan của ta, cũng giống như mong muốn được chu du thiên hạ của Lý Ngộ.

Sau này ta mới biết, cảm giác ấy có một cái tên, gọi là “cầu mà không được.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner