Phụ thân ta, Tề Hồng, là một người văn võ song toàn, xuất chúng hơn người, danh vọng vang dội khắp kinh thành, môn sinh đông đảo, đức cao vọng trọng, địa vị tôn quý vô cùng.
Hai năm trước, mặc dù ông ấy chỉ một thân áo vải, tóc hai bên đã điểm bạc nhưng nếu nhìn kỹ vẫn có thể thấy phong thái năm xưa.
Vậy mà bây giờ, ta lại hoàn toàn không thể nhận ra ông ấy nữa.
Phải chăng hai năm ở kinh thành còn khắc nghiệt hơn ba năm nơi đất lưu đày?
Mẫu thân nhìn ta run rẩy muốn cúi người hành lễ nhưng ta lại lao vào trong lòng tay bà ấy, bà ấy chỉ có thể lau nước mắt, lặng lẽ kéo tay ta đến bên cạnh giường phụ thân, ra hiệu cho những người khác không cần hành lễ nữa.
Lúc này sắc mặt phụ thân xanh xao, ông ấy mơ màng nửa tỉnh nửa mê, miệng khẽ thì thầm gọi tên ai đó trong cơn mê sảng.
Phụ thân, là con, là con đây, con là A Âm, con không phải Chiêu nghi bên trong hoàng cung, mà là con gái nhỏ của Tề phủ, A Âm. Con đã trở về nhà rồi.
Ta nhẹ nhàng bước lại gần phụ thân, ngay cả hít thở cũng cố gắng nhẹ nhàng hết sức có thể, vì ta vô cùng sợ hãi, sợ rằng chỉ cần ta thở mạnh một chút cũng sẽ làm phụ thân giật mình, mà lúc này phụ thân của ta rõ ràng đã không thể chịu đựng nổi bất kỳ sự quấy rầy hay tác động nào nữa.
“Hiện giờ phụ thân thần trí không còn tỉnh táo, thỉnh thoảng có một vài khoảnh khắc minh mẫn, người cũng chỉ muốn gặp muội.” Giọng nói nghẹn ngào của nhị tỷ nhẹ nhàng vang lên bên tai ta.
Ta ngơ ngác ngẩng đầu, nhìn thấy nhị tỷ mà năm năm rồi ta chưa gặp.
Thiếu nữ đầy sức sống năm nào giờ đây đã trở thành thê tử của người ta nhưng vẻ dịu dàng và thương yêu trong đôi mắt vẫn không hề thay đổi.
Ta ôm lấy nhị tỷ, vùi đầu vào trong lòng nhị tỷ khóc nức nở.
Xung quanh ta là những người thân mà ta ngày nhớ đêm mong, đáng lẽ đây phải là một khoảnh khắc viên mãn và ngọt ngào biết bao nhưng phụ thân của chúng ta lại đang nằm trên giường bệnh, sinh mệnh chỉ còn đếm bằng từng hơi thở.
“Tiểu muội, đừng khóc nữa.” Tiếng nói nhẹ nhàng, đã kìm nén nước mắt rất lâu, bất chợt vang lên khiến ta giật mình ngẩng đầu lên.
Qua làn nước mắt nhạt nhoà, ta mơ hồ nhận ra bóng dáng nhị ca nhưng chỉ nhìn thấy khuôn mặt tuấn tú của huynh ấy không giấu được vẻ tiều tụy.
Nhị ca, nhị ca… Trái tim ta đau nhói dữ dội.
Ta luôn né tránh không dám nghĩ đến huynh ấy, không nghĩ về những chuyện huynh ấy đã trải qua, không dám nghĩ đến hiện tại hay tương lai của huynh ấy, càng không dám nghĩ đến những cay đắng trong lòng huynh ấy.
Bởi vì mỗi lần nghĩ đến, trái tim ta lại đau đớn giống như bị cắt ra thành từng mảnh.
Năm xưa Tề gia chúng ta bị cuốn vào cuộc tranh đoạt hoàng vị, tất cả chỉ vì lúc đó Tề gia quá chói lọi.
Chói lọi đến mức chúng ta cho rằng, ngôi vị cửu ngũ chí tôn thiên hạ, nếu không phải là người Tề gia, cũng phải mang trong mình một nửa huyết thống của Tề gia. Có huyết mạch của Tề gia, đó là vinh dự của Hoàng gia, là niềm tự hào của thiên hạ.
Sự ngạo mạn ấy đã được nuôi dưỡng từ lịch sử huy hoàng của Tề gia suốt trăm năm, càng trở nên rực rỡ dưới danh tiếng lẫy lừng của nhị ca Tề Viễn, là viên ngọc sáng nhất trong ánh hào quang rực rỡ của Tề gia.
Nhị ca của ta, Tề Viễn, võ nghệ phi thường nhưng tài danh của huynh ấy còn vượt xa võ nghệ.
Ba tuổi nhập học đường, năm tuổi đã có thể làm thơ, mười tuổi văn chương của huynh ấy đã là ngàn vàng khó cầu, mười hai tuổi danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ, thời đó huynh ấy cùng Dương nhị lang Dương gia được xưng tụng là “Tuyệt thế song tài”, mười bốn tuổi vừa mới bước vào chốn quan trường, huynh ấy đã làm một đám nho gia lỗi lạc phải xấu hổ qua những cuộc tranh luận sắc sảo.
Lúc ấy, ta chỉ mới tám tuổi, mặc dù vẫn còn ngây thơ không hiểu chuyện nhưng cũng đã biết rõ nhị ca Tề Viễn của Tề gia ta là người tài hoa tuyệt đỉnh, hào quang muôn trượng, không ai có thể che mờ vẻ rực rỡ của huynh ấy.
Mười sáu tuổi, nhị ca của ta thành thân, mười dặm hồng trang nghênh đón tẩu tử mới vào cửa, thiếu niên lang tuấn tú khí phách phong lưu sánh đôi cùng tân nương tuyệt sắc khuynh thành đã thu hút biết bao ánh mắt ngưỡng mộ trong kinh thành.