Một đôi trời sinh, câu chuyện tình yêu đẹp đẽ hiếm có này được truyền tụng trong trà lâu suốt nhiều năm liền.
Lửa cháy rực rỡ, hoa nở như gấm, trước năm hai mốt tuổi, nhị ca của ta là một viên minh châu không vướng chút bụi trần, sáng chói, độc nhất vô nhị.
Nhưng qua câu chuyện của Thái hậu, ta mới biết được chính việc nhị ca thành thân năm đó đã chôn xuống một cái gai trong lòng Tiên hoàng.
Bởi vì người mà nhị ca cưới chính là Hàn Giang Nguyệt, con gái của Hàn Thái sư, nhà ngoại của Hàn Hoàng hậu.
Tề gia và Hàn gia kết làm thông gia, vốn tưởng là một cuộc hôn nhân do ông trời tác hợp lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Tề phủ sau này.
Sau đó, đại tỷ gả cho Thái tử cũng chỉ là một ảo tưởng hoa lệ dưới ánh trăng tròn, biểu hiện cho quy luật thịnh cực tất suy mà thôi.
Nhưng ta ở Tề phủ cũng đã tận mắt chứng kiến nhị ca và nhị tẩu hòa hợp mặn nồng, ân ái như thế nào.
Bù cho việc liên hôn giữa hai gia tộc có lẽ là vì lợi ích trên triều đình nhưng tình cảm giữa nhị ca và nhị tẩu lại là chân thành.
Những lời kể chuyện của tiên sinh trong trà lâu về tình yêu nồng thắm nghe có vẻ hơi phóng đại nhưng trong mắt ta lại chẳng bằng một phần vạn sự thật.
Nhị ca và nhị tẩu không giống phụ thân và mẫu thân điềm đạm không màng danh lợi, cũng không giống như đại ca và đại tẩu kính nhau như khách.
Mỗi lần bọn họ vô tình liếc mắt nhìn nhau một cái, trong ánh mắt đều tràn đầy yêu thương không thể che giấu, thuần khiết và mãnh liệt, khắc sâu tận xương tủy, thấm đẫm linh hồn.
Nhưng năm Cảnh Đức thứ mười bảy, khi nhị ca hai mươi mốt tuổi, đại án cuối cùng mà Tiên hoàng xử lý trước khi băng hà là vụ án Hàn gia mưu nghịch phạm thượng, Tề gia mưu hại Ninh vương.
Kết quả là cả nhà Hàn gia bị tru di, nhị tẩu cũng tự vẫn theo, Tề gia bị lưu đày đến nơi khổ ải, Thái tử bị phế thành Ký Vương, bị đưa đến Ký Châu.
Nhị tẩu qua đời, nhị ca giống như mất đi linh hồn, trong mắt không còn một chút sinh khí nào.
Nhưng Tề gia vẫn tồn tại, phụ mẫu vẫn còn sống, nhị ca không thể cũng không cách nào cùng nhị tẩu sinh tử có nhau.
Nhưng từ đó, trong mắt của nhị ca đã không còn thần thái, huynh ấy không còn cầm bút, không viết văn, càng không nói đến chuyện sau này bước chân vào chốn quan trường nữa.
Cho nên năm đó khi biên cương phía bắc xảy ra chiến loạn, ta còn có thể hy vọng đại ca hồi triều.
Khi ta sinh Hoàng tử có công, vẫn có thể hy vọng Tề gia trở về kinh.
Nhưng cho dù tương lai còn bao nhiêu cơ hội hay khả năng, nhị ca cũng sẽ không bao giờ có ngày tỏa sáng trở lại. Bây giờ nhị ca hai mươi sáu tuổi nhưng cuộc đời của huynh ấy đã kết thúc từ năm hai mươi mốt tuổi, từ đó, không còn tương lai nào nữa.
Viên minh châu vô song ngày xưa đã bị đập vỡ tan tành, rơi vãi trong bùn đất, không bao giờ tìm lại được chút ánh sáng nào nữa.
“Nhị ca.” Ta nắm chặt tay nhị ca, giống như đang nắm lấy một khúc gỗ trôi nổi đang bị cuốn đi trong dòng sông chảy xiết.
Không có linh hồn, không có sinh khí cũng không sao, chỉ cần nhị ca vẫn còn sống sót đứng trước mặt ta, gọi ta là tiểu muội.
Bàn tay huynh ấy tuy thô ráp nhưng lòng bàn tay vẫn còn hơi ấm.
Huynh ấy chính là nhị ca, người đã dạy ta đọc sách viết chữ từ nhỏ, là người luôn kiên nhẫn dạy dỗ ta, dù ta nghịch ngợm không chịu học hành, vẫn yêu thương ta vô điều kiện.
Nhị ca im lặng để ta tuỳ ý nắm tay mình, chậm rãi đưa một bàn tay khách lên, nhẹ nhàng xoa xoa đầu ta. Trong đôi mắt khô khốc của nhị ca hiếm khi hiện lên chút dịu dàng ấm áp.
Ta cảm thấy trái tim mình đau nhói như muốn chết đi.
Điều khiến ta tuyệt vọng hơn chính là thời gian cứ lặng lẽ trôi qua.
Hơn một canh giờ đã qua đi nhưng phụ thân vẫn mơ mơ màng màng, lúc tỉnh lúc mê.
Trong lòng ta ngày càng sốt ruột.
Phụ thân vẫn luôn nhớ mong ta, ông ấy nhất định phải nhìn thấy con gái nhỏ của mình.
Nhưng Hoàng thượng chỉ đồng ý cho ta ba canh giờ, đường từ Tề phủ đến hoàng cung đã mất một canh giờ, ta không thể cứ chờ đợi như thế này mãi.
Nếu để kéo dài thời gian, đến khi trời sáng bị người khác phát hiện, không biết sẽ gây ra bao nhiêu thị phi cho cung Vĩnh An và Tề phủ.
Cung Vĩnh An ta có thể không bận tâm nhưng Tề phủ không thể chịu thêm sóng gió được nữa.
“Thái y, Thái y đâu?”
Khi thời gian còn lại chưa đến một canh giờ, ta thực sự hoảng sợ.
Hơi thở của phụ thân càng lúc càng yếu, những lời nói mê trong miệng cũng ngày càng mơ hồ.
Thái y đâu? Những bát thuốc đắng ấy đâu? Đưa cho phụ thân đi, tại sao bây giờ không làm gì cả?
“Chiêu nghi, xin chờ thêm một chút, lão đại nhân sắp tỉnh lại rồi.” Thái y bị ta gọi vào không chút cảm xúc, cúi đầu trả lời.
Chờ thêm một chút là thế nào? Sắp tỉnh lại là ý gì? Tay ta siết chặt thành nắm đấm, móng tay cắm sâu vào lòng bàn tay đến bật máu.