A Kiều

Chương 3



4

“Phải sống cho thật tốt đấy! A Kiều tỷ tỷ!”

Lúc xuống thuyền, Xuân Sinh chắp tay hô to.

Ta đứng ngay bến đò phất tay với hắn.

Lúc ta đang định tính xem còn dư lại bao nhiêu tiền để ở trọ thì phát hiện hai lượng bạc vụn mà mình đưa cho Xuân Sinh đã bị hắn đặt lại vào giỏ trúc tự lúc nào chẳng hay.

Thuyền đã đi xa nên ta không đuổi theo kịp.

Hầy, sau này trả lại cho hắn vậy.

Ta đi loanh quanh hỏi thăm các tửu lâu suốt ba ngày trời, có nơi đã đủ người, có nơi thì tiền công quá thấp.

May mắn thay, cuối cùng cũng có một nơi đồng ý cho ta vào làm. Tuy nhiên, chủ quán muốn ta thử việc trong ba ngày.

Chẳng biết sao khách khứa ở đây có thể ăn nhiều đến vậy, chỉ riêng cơm hấp thôi mà đủ cho Mạnh gia ăn trong nửa năm rồi.

Ta không dám lơ là, loay hoay bận rộn đến không ngơi tay.

Mỗi lần chủ quán đến xem đều gật đầu mỉm cười.

Ta cứ ngỡ mình đã vượt qua rồi.

Nào ngờ đến ngày thứ ba thì chủ quán kia trở mặt, đẩy ta cùng bọc quần áo ra khỏi cửa.

“Tay nghề của ngươi không đạt, khách ăn vào bị tiêu chảy, còn đòi quán ta bồi thường một đống bạc đây này!”

Ta có ngu cũng biết mình bị lừa rồi.

Ta không khóc, chỉ xoa mắt rồi nhặt bọc quần áo lên.

Sang ngày thứ năm, tiền trên người ta chẳng còn lại bao nhiêu. Ta đứng trước tiệm cầm đồ, định vào bán cây trâm.

Nào ngờ có một thiếu niên dáng dấp như thư sinh gọi ta lại: “Xin phu nhân dừng bước.”

Ta không nhận ra hắn.

“Mấy hôm trước, phu nhân là người đã nấu ăn cho thư viện của chúng ta sao?”

“Không phải, ta chỉ nấu ăn cho Khách Vân Lâu mà thôi, ta chưa từng nấu ăn cho thư viện nào cả.”

“Vậy là đúng rồi, thư viện của chúng ta đặt món ở đó mà.”

Ta nhớ tới lời chủ quán kia nói nên bất an vô cùng: “Các người bị đau bụng hả?”

“Nào có.” Thư sinh kia mỉm cười, “Ta thấy phu nhân nấu ăn ngon quá nên lại đặt cơm vào hai ngày sau, nào ngờ món ăn không ngon như lần trước. Hỏi thăm mới biết, chủ quán đó chẳng phải người hiền lành gì.”

Cho nên?

“Thư viện của chúng ta còn thiếu người giám sát, nhưng công việc sẽ hơi vất vả đấy. Ngoài nấu cơm thì phải giặt quần áo nữa. Cơ mà phu nhân sẽ được bao ăn bao ở. Chẳng hay phu nhân có bằng lòng hay không?

Thư viện Quan Hạc này là một trong những thư viện nổi tiếng nhất ở Thanh Châu, được xây dựng dựa lưng vào núi, mặt hướng ra sông.

Ta không hiểu mấy chữ uốn lượn như rồng bay phượng múa trên tấm biển, cũng chẳng ngộ ra thâm ý trong đó. Ta chỉ cảm thấy mảnh đất hoang ở phía sau trường học có thể cày xới thành hai vườn rau, thậm chí còn nuôi được mấy con gà.

Tiên sinh trong thư viện thích trúc nên nơi này trúc nhiều vô kể.

Hay lắm, lấy măng hầm với thịt, còn trúc già thì chẻ ra làm giàn trồng đậu.

Ta rất thích mấy loại đậu và dưa, nhưng Mạnh Hạc Thư thì không.

Hắn nói trong viện phải trồng hoa mai, ngắm mai vào những ngày đông mới là thú vui tao nhã.

Ta vui vẻ chăm sóc cả vườn mai cho hắn, vậy mà sau này ta mới biết, Ngọc Già cô nương cũng thích hoa mai.

Thấy ta không trả lời, thư sinh nọ cẩn thận lên tiếng: “Phu nhân có gì băn khoăn ư? Là tiền lương…”

“Ta được phép trồng rau trong vườn chứ?”

“Dĩ nhiên!”

Ta gật đầu: “Vậy thì được.”

5

Có mấy hộ gia đình sống gần thư viện.

Vị thư sinh tìm ta hôm nọ tên là Hứa Thường.

Hứa Thường dặn dò ta: “Mọi người trong thư viện đều rất thân thiện, còn mấy hộ gia đình ở gần đây cũng dễ nói chuyện nữa. Nhưng phu nhân nhớ đừng dây dưa với thằng nhóc vô liêm sỉ kia nhé.”

Vô liêm sỉ?

Hứa Thường oán giận nói tiếp: “Thằng nhóc đó tên là A Hổ, nó là thứ súc sinh không được dạy dỗ.”

Ta nghe người xung quanh kể lại, A Hổ là một cậu bé mười tuổi, cha cưới vợ khác, còn mẹ thì tái giá, chỉ có mình thằng bé lủi thủi chẳng ai cần.

Không có đứa bé nào muốn chơi với A Hổ, ai cũng bảo nó thích nói dối, tay chân không sạch sẽ, hay ăn trộm vặt.

Chưa kể A Hổ rất khỏe nên nó còn thường xuyên đánh người.

Chỉ cần ai đắc tội với nó thì nửa đêm nó sẽ đến nhà họ, phá hỏng vườn rau và mở lồng gà để cáo vào xơi.

Bọn nhỏ ghét nó thì thôi đi, đằng này ngay cả Hứa Thường đã hai mươi tuổi mà vẫn kết thù với A Hổ.

Cũng không trách được. Mới năm ngoái thôi, A Hổ đặt bẫy bắt thỏ hoang, làm hại Hứa Thường ngã gãy chân nên không đi dự thi được.

Mà đề thi năm đó lại bàn về vấn đề lịch sử mà Hứa Thường am hiểu nhất, nên từ đó Hứa Thường ghi hận A Hổ.

Hứa Thường muốn đánh A Hổ, nào ngờ thằng bé lại nằm vạ xuống đất: “Trời ơi, đánh người, đánh người này! Người lớn đánh trẻ con này! Thư sinh đánh người tốt này!”

Hứa Thường tức anh ách, nuốt không trôi cục tức này nên mua kẹo cho bọn nhỏ gần đó rồi nhờ chúng dạy cho A Hổ một bài học.

A Hổ bị đánh, nó lăn lộn trong bùn như mấy con chó hoang: “Ha ha, không đau, không đau chút nào hết.”

Mặt dày đến thế là cùng.

Chẳng ai trị được nó cả. Hứa Thường cũng bó tay hết cách, đành chấp nhận do mình xui xẻo mà thôi.

Ai ngờ ta không trêu A Hổ mà A Hổ lại tới trêu ta trước.

Nó trộm mất con gà Lô Hoa của ta rồi nướng ăn ở sau núi.

Đùi gà nóng quá nên rơi xuống đất, thế mà A Hổ chẳng ngại bẩn mà phủi vài lượt rồi nhét vào trong miệng.

Mỗi lần nuốt vào thì vết thương lại nhói lên, đau đến mức thằng bé phải hít vào mấy hơi liền. Dẫu vậy, nó vẫn ăn ngấu nghiến như thường.

Thằng bé tập trung vào con gà đến nỗi không nhận ra ta đang đứng ngay phía sau.

Ta vỗ vào vai nó: “Gà Lô Hoa nướng lên sẽ không ngon đâu.”

A Hổ bị dọa sợ, nó run lên rồi ho sặc sụa.

Ta vội vỗ lên lưng nó: “Gà Lô Hoa phải hầm với nấm, hoặc là xào với bún mới ngon.”

Hai chén cháo gà, A Hổ một chén, ta một chén.

Chỉ là… trong chén của A Hổ có thêm hai cái đùi gà.

Cũng giống như lúc ta nấu cháo cho Bách nhi và Mạnh Hạc Thư, cha con họ mỗi người sẽ có một cái đùi gà.

A Hổ nửa tin nửa ngờ nhìn ta, nhưng hương thơm từ chén cháo quá hấp dẫn, chưa kể cái đùi gà kia còn béo tròn nữa chứ.

“Bà muốn làm gì?”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner