“Ta đã nói rồi, gà Lô Hoa phải hầm mới ngon.”
“Trong cháo có độc đúng không? Bà nghĩ ta không dám ăn chắc?”
A Hổ cầm chén cháo lên rồi nhắm mắt nhắm mũi húp một miếng, thế rồi, nó lập tức trợn to mắt.
Ta thấy nó húp lấy húp để, suýt nữa là nuốt luôn cả lưỡi rồi.
Chẳng trách ai cũng nói: Con trai tuổi ăn tuổi lớn, ăn hết của cải cha mẹ.
Sau khi ăn đến chén cháo thứ ba, ngay cả ánh mắt của A Hổ cũng dần trở nên trong vắt.
“Sau này đói bụng thì đừng đi ăn trộm nữa, cứ tới đây ăn cơm nhé.”
A Hổ quệt ống tay áo đã phai màu đến thảm thương lên lau miệng.
Thằng bé còn định nói thêm gì nữa, nhưng vừa trông thấy Hứa Thường đi vào, nó đã vội đặt chén cháo xuống rồi chạy đi mất.
Hứa Thường nhìn theo bóng lưng của A Hổ rồi gắt lên: “Phu nhân đừng mềm lòng với nó, nó là thứ vô ơn mất dạy.”
Không phải là mềm lòng.
Chẳng qua… ta cảm thấy một đứa trẻ biết quý trọng thức ăn thì sẽ không lầm đường lạc lối quá xa.
Nhưng ngày hôm sau, giàn đậu ta trồng phía sau thư viện đã đổ nhào.
Hứa Thường dẫn một đám người tới thì trông thấy A Hổ đang luống cuống đứng bên cạnh giàn đậu của ta.
Ta còn chưa lên tiếng, A Hổ đã hung hăng đẩy Hứa Thường rồi cuống cuồng chạy đi.
“Thứ súc sinh này! Phu nhân tốt với nó như thế mà nó lại tới phá hết nơi này.”
Ta suy nghĩ một chốc rồi đáp lời: “Tối qua gió lớn cả đêm, trời còn mưa nữa, có lẽ do ta chưa cắm chặt mấy cây trúc xuống đất thôi.”
Tối đó, ta thấy có ai đó lén lút ngồi ngoài viện.
Ta hâm lại nồi cháo gà hôm qua, hương thơm bay ra, thế là bóng dáng kia chẳng ngồi yên được nữa.
“Con không phá giàn đậu đó. Đêm qua nghe tiếng gió lớn quá, con không biết giàn đậu có bị làm sao không nên mới chạy tới đây xem thử.”
“Giải thích là được rồi, tại sao lại bỏ chạy?”
A Hổ cúi đầu rồi nức nở: “Con không muốn chạy, nhưng con sợ người không hỏi con mà sẽ mắng con trước.”
“Vậy sau này có chuyện gì thì ta sẽ hỏi con trước, được chứ?”
A Hổ không lên tiếng.
Thằng bé cầm chén cháo lên rồi húp một miếng lớn, đến khi cái chén che khuất cả mặt mà nó vẫn chưa chịu buông xuống.
Ta bật cười: “Gà Lô Hoa chan nước mắt không ngon đâu, sẽ mặn đấy.”
6
Chớp mắt mà đã đến hè rồi.
Tiếng ve sau vườn ngày một yên tĩnh, bóng mát ngập tràn khắp sân.
Các tiên sinh cũng rời khỏi trường học để về quê nhà.
Hôm nay rảnh rỗi nên ta mang quần áo và chăn đệm của mọi ngời ra phơi.
“Không đi học đâu, đầu óc con chậm chạp lắm.” A Hổ vừa nện vào đống quần áo vừa lắc đầu nguầy nguậy, “Hơn nữa người trong thư viện đều ghét con, con cũng ghét họ lắm.”
A Hổ mười tuổi, lớn hơn Bách nhi ba tuổi. Vậy mà Bách nhi đã học thuộc Thiên Tự Văn rồi, thậm chí còn viết được vài nét chữ, còn A Hổ chẳng biết gì cả.
Ta định lấy số tiền mình dành dụm nửa năm nay cho A Hổ đi học.
“Con vừa không biết chữ, vừa không biết kiếm sống, thế sau này bị người ta ức hiếp thì phải làm sao?”
“Người khác bắt nạt con thì con có mẹ là chỗ dựa mà!”
“Khi đó mẹ già rồi, con biết làm sao đây?”
A Hổ lập tức níu chặt tay áo của ta: “Mẹ không già! Không cho mẹ già đâu!”
“Được, được, được. Mẹ không già, mẹ sẽ ở bên con mãi mãi.”
Ta ngồi xuống lau nước mắt cho A Hổ.
Bỗng nhiên có ai đó gọi ta từ phía sau, giọng nói chất chứa sự vui mừng khó tả.
“A Kiều?”
Gió thổi phồng quần áo đầy sân, trông như những cánh buồm trên mặt nước, cứ lấp lánh mờ ảo.
Ta đứng dậy nhìn ra đằng sau, Mạnh Hạc Thư nắm tay Bách nhi đứng sững sờ ở đó…
“… Là A Kiều đấy ư?”
Có lẽ chăm sóc thai phụ vất vả quá nên Mạnh Hạc Thư đã gầy đi rất nhiều.
Hắn không dám tiến tới mà chỉ đứng đó nhìn ta với đôi mắt đỏ ửng…
Bách nhi thoát ra khỏi tay hắn, vừa gọi mẹ vừa chạy tới định nhào vào lòng ta làm nũng.
Nào ngờ A Hổ lại đẩy nó ra.
A Hổ cảnh giác ôm lấy tay ta, trông thằng bé chẳng khác nào một con hổ nhỏ đang bảo vệ lãnh thổ của mình: “Ngươi là ai? Sao lại gọi mẹ của ta là mẹ hả?”
Mạnh Hạc Thư kinh hãi không thôi, nhưng trông thấy A Hổ còn cao hơn cả Bách nhi, mối nghi ngờ trong lòng hắn tiêu tan hơn phân nửa.
Đương nhiên ta sẽ không tự mình đa tình, cho rằng Mạnh Hạc Thư bôn ba cả chặng đường dài để đến đây tìm ta.
Ta nhón chân nhìn ra phía sau hắn: “Ngươi tới đây vì Ngọc Già cô nương kia cũng tới à?”
Mạnh Hạc Thư thấy ta cẩn thận như thế thì khổ sở vô cùng.
Không phải là ta cẩn thận, chỉ vì ta đã tự mình đa tình quá nhiều lần khi ở bên cạnh Mạnh Hạc Thư mà thôi.
Ta cứ ngỡ Mạnh Hạc Thư yêu ta từ cái nhìn đầu tiên nên mới ra chiêu anh hùng cứu mỹ nhân khi ta bị khách nhân nói trong thức ăn có độc.
Ta cứ ngỡ hắn lạnh nhạt ít nói nên mới mượn rượu cầu hôn ta vào bảy năm trước.
Ta đâu biết, hôm đó Ngọc Già cô nương cũng ăn món ta làm nên hắn mới rối rít điều tra chân tướng.
Ta đâu biết, Mạnh Hạc Thư mượn rượu giải sầu, đề nghị kết hôn với ta là vì ghen tuông với Ngọc Già và Lục Yên.
Ta chẳng biết gì cả, cho nên ta mới mắng yêu hắn khi hắn muốn rời đi khám bệnh cho Ngọc Già ngay trong đêm tân hôn của hai ta.
“Mạnh Hạc Thư, chàng mà đi thì ta sẽ không để ý đến chàng nữa!”
Hắn không thể không đi, cũng giống như ta không thể không quan tâm đến hắn.
Ta mắng hắn cả ngày trời, nhưng sang hôm sau, ta vẫn mang cơm đến y quán cho hắn, thậm chí còn giấu một cái đùi gà dưới lớp cơm dày nữa chứ.
Ta muốn hắn ăn hết đống cơm trắng nhạt nhẽo ở trên rồi mới được ăn món ngon ở phía dưới!
Nào ngờ, ta lại tự mình đa tình.
Mạnh Hạc Thư nào có động đến phần cơm ấy.
Bởi vì Ngọc Già cô nương bị bệnh nên hắn lo đến chẳng thiết ăn uống.
…
“… Muội ấy không tới đây đâu, là ta tới tìm nàng.” Giọng nói của Mạnh Hạc Thư trầm xuống, “A Kiều, nàng đừng giận nữa, về nhà với ta đi.”
Tới tìm ta ư?
Ta suy nghĩ trong chốc lát rồi quyết định không thể bản thân mơ mộng hão huyền thêm lần nào nữa.
Ta cười khổ: “Hạc Thư, ta mà về thì Ngọc Già cô nương phải làm sao đây?”
“Sau này chỉ có ba người chúng ta mà thôi! Không còn muội ấy nữa! Ta thề ta sẽ không bao giờ như vậy nữa!”
Ta không dám tin.
Ngày ta đi, mưa xuân ngập lối trên bến đò.
Ba tháng trôi qua, lúc này cây xanh đã rậm rạp khắp nẻo Thanh Châu.
Hóa ra, phải chờ đến hết mùa xuân thì hắn mới nhận ra ta không còn ở bên cạnh nữa.
Đáng tiếc, năm nào xuân cũng tới.
Những màn mưa xuân luôn nhắc nhở ta rằng, ta đã từng bị người ta quên lãng trong trận mưa to hôm ấy.
Thấy ta xa cách như vậy, Mạnh Hạc Thư vội vàng tiến đến nắm lấy tay ta.
Hắn nói mọi chuyện không như ta nghĩ.
Chỉ ba ngày ta không về nhà là hắn đã chạy khắp nơi tìm kiếm tung tích của ta rồi.
“Ta đã gặp A Kiều mấy hôm trước, chúng ta còn mua cá cùng nhau cơ mà.”
Người chèo thuyền vừa ngậm khúc sậy vừa chỉ về hướng Bắc rồi nhắc đến một hơi hoàn toàn trái ngược với Thanh Châu: “Vị phu nhân ấy đến Túc Thành rồi.”
Mạnh Hạc Thư vội vàng dẫn Bách nhi đến phía Bắc, hắn tìm ròng rã cả hai tháng trong Túc Thành mà chẳng thấy ta đâu.
Hắn tìm đến được Thanh Châu này là nhờ một thư sinh ngồi trong tửu lâu kể lại, mấy ngày trước có một nữ đầu bếp mới chuyển tới thư viện mà hắn đang theo học, tay nghề tuyệt đỉnh chẳng ai sánh bằng. Hại hắn rời khỏi thư viện Quan Hạc thì chẳng nuốt nổi món nào nữa.
“Nàng không biết đâu, lúc nghe họ kể nàng bị người ta ức hiếp, ta vừa tức vừa xót, tim ta đau lắm… Khi ấy ta mới phát hiện, hóa ra ta quan tâm nàng nhiều đến vậy…”
Ta đi rồi… Hắn mới hiểu rõ lòng mình.
Nhưng ta không dám tin nữa
“Hạc Thư, ngươi biết vì sao ta lại rời đi không?”
“Bởi vì Ngọc Già… Không đúng, bởi vì ta và Bách nhi đã khiến nàng đau lòng…”
Ta lắc đầu.
“Hôm ta đi mua cá thì đột nhiên trời mưa to, vợ nhà người ta đều có chồng đến đón, chỉ có mỗi ta là không có.”
“Thật ra ta cũng không tủi thân lắm đâu, thậm chí ta còn nghĩ, nếu trận mưa này qua nhanh thì ta sẽ tha thứ cho ngươi.”
“Đáng tiếc mưa to dai dẳng, đáng tiếc… suýt nữa là ta lại tha thứ cho ngươi rồi.”
“Ta đứng trên thuyền nên người ta chẳng chèo đi được, người ta muốn đuổi ta đi, nhưng mưa to quá lại chẳng đành lòng.”
“Khi ấy ta mới nhận ra, tình cảm sớm chiều bên nhau suốt bảy năm còn chẳng bằng lòng trắc ẩn của một người xa lạ”
“Khó khăn lắm ta mới khuyên được bản thân đừng tự dối lừa mình nữa, bảy năm vợ chồng… thật ra ngươi chưa từng yêu ta.”
Ba tháng qua, ta đã từng trằn trọc chẳng yên giấc, đêm nào cũng khóc đến ướt gối.
Thế mà bây giờ nhắc tới, ta lại thấy lòng mình bình thản như đang nói về chuyện của một người xa lạ.
Ta nhìn hắn, sau đó rút tay về: “Ta tới Thanh Châu cũng khó khăn lắm, còn bị người ta lừa gạt, ức hiếp nữa. Nhưng dù có khó khăn hơn thế thì ta cũng chưa bao giờ muốn quay trở lại, càng không nghĩ đến chuyện quay về bên cạnh ngươi.”
“Hạc Thư, ta không muốn phải ăn mì trường thọ hòa cùng nước mắt nữa.”
…