A Kiều

Chương 6



Nào ngờ Mạnh Hạc Thư lại giãy giụa bò dậy, sau đó hắn chạy tới ôm chặt ta từ phía sau.

Cả người hắn nóng rần lên, nhưng nước mắt rơi xuống cổ ta lại lạnh như băng.

Hắn vừa siết chặt tay vừa nài nỉ: “A Kiều, nàng đừng đi, nàng ở bên cạnh ta có được không…”

“Ta chỉ muốn nàng ở cạnh thôi, ta không cần ai cả…”

“Vốn dĩ ta… ta đã đuổi muội ấy đi rồi, nhưng ta sốt cao quá, muội ấy lại tới…”

“Ta không cần muội ấy, ta chỉ cần A Kiều của ta thôi.”

Ngọc Già không thể tin vào tai mình, nước mắt chảy dài xuống hai gò má: “Mạnh ca, chàng nói gì vậy? Chàng định mặc kệ Ngọc Già ư?”

Mạnh Hạc Thư chẳng thèm liếc mắt nhìn nàng ta lấy một lần.

Bách nhi cũng nói: “Ngọc Già a di, cha con đã viết thư cho Lục gia, Lục gia nói ngày mai sẽ đến đón a di đó.”

Ngọc Già đứng bật dậy, nước mắt giàn giụa: “Ta không về! Ta không về đâu! Lục gia có tiện nhân kia chen vào giữa ta và Lục Yên! Lục gia bao che cho ả! Ả sẽ cướp con của ta! Cướp cả Lục lang của ta nữa!”

Nói xong, chính nàng ta cũng ngây cả người.

“Nhưng ta và Mạnh ca không như vậy. Chúng ta là thanh mai trúc mã, Mạnh ca từng hứa sau này sẽ cưới ta làm vợ.”

“Đó là khi trước ta chưa hiểu chuyện. Sau này muội đừng lui tới nữa, cũng đừng gọi ta là Mạnh ca nữa.” Mạnh Hạc Thư phủi sạch quan hệ, “Chẳng lẽ lời nói khi sáu tuổi mà cũng xem là thật sao?”

Ngọc Già đứng đó, vẻ khó chịu và lúng túng hằn rõ trên gương mặt.

Ánh mắt nàng ta dừng lại trên người ta hồi lâu, rồi dường như nàng ta chợt hiểu ra những nỗi đau mà Mạnh Hạc Thư đã âm thầm chịu đựng suốt bao năm qua.

“Vậy ta hòa ly với Lục Yên, Mạnh… Hạc Thư, trước kia ta chưa hiểu rõ chàng, không biết chàng tốt với ta đến vậy, sau này hai chúng ta…”

Mạnh Hạc Thư lạnh lùng nhìn nàng ta.

“Ngọc Già cô nương hãy tự trọng. Mạnh Hạc Thư chỉ có mỗi A Kiều là vợ thôi.”

Ngọc Già đỏ bừng cả mặt, khó chịu đến không thốt nên lời.

Ngoài kia trời vẫn đang mưa, vậy mà nàng ta vừa khóc vừa bất chấp chạy ào ra khỏi phòng.

Mạnh Hạc Thư lo lắng nắm lấy tay ta: “A Kiều, ta sẽ không khiến nàng đau lòng nữa…”

“Đó là chuyện giữa ngươi và nàng ta, chẳng liên quan gì đến ta cả.”

Việc chấm dứt mối quan hệ mập mờ với Ngọc Già là cách hắn cố gắng tìm kiếm câu trả lời muộn màng cho chính mình.

Hắn là Mạnh Hạc Thư, hắn không muốn làm Mạnh ca, hắn không muốn là sự lựa chọn thứ hai suốt cả đời này.

Hắn bước ra khỏi mối quan hệ đó cũng giống như người nghiện cai thuốc vậy.

Đấy là chuyện vốn dĩ hắn phải làm, nhưng hắn cứ vương vấn không muốn làm, cuối cùng hôm nay cũng dứt khoát được rồi.

Thế nên, không đáng để ta cảm động đâu.

Lúc ta về, A Hổ không hiểu nên dè dặt nắm lấy vạt áo của ta: “Mẹ vẫn còn giận Mạnh thúc thúc hả?”

Ta ngồi xuống rồi xoa đầu thằng bé: “Mẹ không giận. Nhưng A Hổ phải nhớ kỹ, nếu con làm một người đau lòng quá nhiều lần thì rau mùa xuân sẽ không đợi con, dưa mùa hè cũng không chờ con nốt. Bỏ lỡ những món ngon vào đúng mùa thì tiếc lắm đấy.”

“Tuy dưa hay rau thì sang sau năm con vẫn có thể ăn được, nhưng đã bỏ lỡ một người thì chẳng có cách nào quay đầu lại đâu.”

A Hổ nhích lại gần ta: “Mãi mãi không được ăn món ngon… A Hổ không muốn làm người như vậy đâu!”

9

Từ thầy cho đến trò ở thư viện Quan Hạc đều nói rằng Mạnh đại phu luôn cảnh giác với những ai lượn lờ quanh vợ mình.

Hứa Thường liếc trắng mắt, còn mắng người nọ không biết nâng niu báu vật, bây giờ nhìn ai cũng tưởng kẻ trộm.

Hơn nữa, ai mà không thích phu nhân A Kiều chứ?

Người gì mà vừa dịu dàng vừa dễ chịu, lại còn nấu ăn ngon nữa.

Thậm chí có người còn nợ tiền khâu vá và giặt quần áo, thế mà phu nhân A Kiều cũng chưa bao giờ mặt nặng mày nhẹ với người ta.

Thấy Mạnh Hạc Thư lo được lo mất như thế, ta chỉ cảm thấy thật buồn cười.

Đâu phải ai cũng như hắn và Ngọc Già, cứ lâm vào cảnh khốn đốn rồi tự ý xem người khác là lựa chọn thứ hai của mình.

Sau khi kỳ thi nhập học kết thúc, Bách nhi đắc ý vừa lòng vô cùng.

Tối đó, A Hổ thất thểu về nhà, trông thằng bé ủ rũ hệt như mấy con gà trống bại trận.

A Hổ và Bách nhi đứng ngoài cửa, ấy vậy mà ta lại cảm thấy tự dưng A Hổ thấp hơn Bách Nhi đến nửa cái đầu.

Bách nhi đạt kết quả tốt nên kiêu ngạo hất cằm, chờ ta khen ngợi.

“Mẹ ơi! Con đứng nhất này! Thầy khen con không ngớt lời luôn đó!”

A Hổ sắp khóc đến nơi: “Mẹ, A Hổ vô dụng nên thi trượt rồi ạ.”

“Trưa nay có ăn cơm đầy đủ không?”

A Hổ nghẹn ngào.

“… Có thì có ạ, nhưng tâm trạng không tốt nên con chỉ ăn hai cái đùi gà thôi.”

Ta xoa đầu A Hổ: “Vậy là được rồi, mau lau nước mắt rồi vô ăn cơm.”

Bách nhi kinh ngạc nhìn ta: “Mẹ, mẹ điên rồi ư? Con thông minh hơn hắn, ngay cả thầy cũng khen con…”

Bách nhi, yêu thương không phải như vậy đâu.

Tình thương không phải là thứ có thể so sánh hay cân đo đong đếm.

Đã yêu, đã thương thì không được nghĩ đến những chuyện đó.

Ta tự biết mình không đẹp bằng Ngọc Già, ta cũng biết rõ mình chẳng giỏi dỗ dành người khác như nàng ta.

Bách nhi à, mẹ không muốn con phải nói dối, mẹ đâu cần con phải dối lòng rằng mẹ cài chiếc trâm bạc kia đẹp hơn Ngọc Già cô nương?

Nhưng con không nên so sánh mẹ và nàng ta ngay từ lúc đầu.

A Hổ học không tốt, nhưng thầy nói thằng bé rất khỏe, có thể phát triển bên mảng võ thuật.

Ta nghĩ tới nghĩ lui một hồi rồi thấy chuyện này cũng không tệ lắm.

Tập võ giỏi thì sau này có thể làm người vận chuyển, nuôi sống được bản thân.

Hoặc xông pha chiến trường lập công danh, thực hiện hoài bão của đời mình.

Nhưng nếu tập võ thì không thể ở lại thư viện Quan Hạc được nữa, chúng ta phải tới Túc Thành.

Ta thu dọn hành lý, cầm theo cả thư giới thiệu mà người đứng đầu thư viện tự tay viết.

Người nọ nói với ta: “Xưa kia có Mạnh mẫu, bây giờ có Kiều mẫu.”

A Hổ quỳ xuống lạy ta ba lạy: “Mẹ có ơn giúp con sống lại, nếu không có mẹ thì A Hổ đã nát vụn trong bùn đất rồi.”

Ngày hai mẹ con ta lên đường, mưa thu rơi tí tách không ngừng.

Người chèo thuyền đứng bên bờ cất cao giọng: “Ai đi Túc Thành nữa không…”

Mạnh Hạc Thư là người cuối cùng hay tin ta sắp đi xa.

Hắn vội vàng dẫn Bách nhi chạy tới bến đò, nhưng chiếc thuyền đang trôi dần đến nơi xa như cố ý trêu chọc hắn.

Lúc mọi người từ biệt ta thì nó chẳng chịu đi, đến khi hắn tới thì nó đã dần rời xa bờ.

Hai ta chỉ cách nhau một dòng nước, nhưng lại xa xôi như vực thẳm chẳng thấy bến bờ.

Người nọ không vượt qua được nên đứng đó gọi ta: “A Kiều…”

Ta chẳng biết nên nói gì với họ cả, đang lúc lúng túng thì người chèo thuyền lại nhấc nón cỏ lên, để lộ ra gương mặt quá đỗi quen thuộc.

“Phu nhân A Kiều, đã lên thuyền thì đừng nhìn lại hướng cũ nữa, phải nhìn về phía trước chứ.”

Ta hiểu thâm ý trong câu nói ấy nên bật cười hỏi hắn: “Ta với đứa nhỏ này, hai lượng bạc đủ tới Túc Thành không?”

“Phu nhân cứ đùa, đến Túc Thành vẫn còn dư ấy chứ.”

—– HẾT PHẦN CHÍNH —–

(Còn phiên ngoại)


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner