Bố mẹ suýt nữa tức c/h/ế/t.
Thật ra trong lòng tôi hiểu.
Ba năm khám bệnh này, bố mẹ từng phàn nàn nhưng tốt xấu gì cũng có bỏ ít tiền. Nếu họ bỏ công việc để chăm sóc tôi thì làm sao duy trì cuộc sống?
Nhưng tôi vẫn không kiềm chế được sự thất vọng. Vì sao em trai được nhiều hơn tôi đến thế.
May mà ông nội vẫy tay gọi tôi.
Ông nói nhỏ: “Thịt kho tàu ngon lắm, ông chừa cho con mấy miếng ngon nhất, mau ăn đi.”
Tâm trạng chán nản nhanh chóng tan đi.
Đúng rồi.
Tôi có ông nội.
Có ông là đủ rồi.
Hôm nay ông nội uống rất nhiều. Mọi người đều nói ông nuôi đúng người, sắp được hưởng phúc rồi.
“Tôi không cần hưởng phúc gì của con bé, chỉ mong nó khỏe mạnh, sau này kết hôn, sinh con…”
Tôi quay đi, cố gắng kiềm chế không khóc.
Ông vẫn lo.
Sợ tôi không thể có con.
Sợ tôi lẻ loi một mình trên đời này.
Cho nên ông nội, ông nhất định phải sống lâu hơn.
Có ông làm bạn, sao con có thể cô độc được?
Trường đại học nằm ở thủ phủ của tỉnh nên việc khám bệnh thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng kỳ lạ, kinh nguyệt tôi thế mà dần tốt hơn.
Mỗi lần nó sẽ tự kết thúc trong tầm 10 ngày, hơn nữa hiếm khi có tình trạng một tháng bị hai lần. Hơn nữa chỉ đau bụng trong hai ngày đầu, đỡ hơn trước rất nhiều.
Bác sĩ nói, có thể do tôi đã thành niên, các cơ quan trong người đã hoàn thiện.
Hơn nữa không phải chạy đua với kỳ thi tuyển sinh đại học, áp lực tinh thần giảm nhẹ.
Chỉ có điều việc sinh nở có lẽ sẽ khó khăn hơn người bình thường. Nhưng đó không phải là điều cần xem xét ngay lúc này.
Học phí là đi vay.
Tiền sinh hoạt tháng đầu tiên mẹ cho tôi 500 tệ.
Ông nội lén cho tôi. “Phải ăn uống đầy đủ, đừng để mệt người. Nếu mà khó chịu là phải đi bệnh viện khám ngay, không đủ tiền tiêu thì gọi điện thoại cho ông.”
Tôi nói với ông nội mình có thể làm thêm để tự nuôi sống bản thân, ông nên nghỉ ngơi. Nhưng ông không chịu ngồi yên, có người gọi đi làm là ông đi nhanh hơn thỏ.
“Ông làm việc mới khỏe người, ngồi không ở nhà cứ thấy như muốn bệnh. Con bắt ông ở nhà suốt, khó chịu lắm.”
Nghỉ đông, tôi làm gia sư đến 27 tháng chạp mới về.
Xuống xe buýt ở cổng thôn lúc 11 giờ, ông nội đến đỡ túi cho tôi: “Linh Linh.”
Trời lạnh ngắt, mũi ông đỏ bừng vì lạnh.
“Nội, nội chờ ở đây bao lâu rồi?”
19.
“Ông mới tới!”
Đi được nửa đường gặp trưởng thôn. Trưởng thôn nói: “Ông nội biết nay cháu về, trời còn chưa sáng đã ra cổng thôn chờ.”
Ông nội cười ngượng: “8 giờ, 8 giờ ông mới ra cửa.”
Về tới nhà, tôi mở túi đồ ra.
“Nội, bánh kem mua cho nội.”
Ông nội lớn tuổi, răng yếu, thích ăn đồ mềm. Ông thường lấy trứng gà với bột mì lên trên thị trấn nhờ làm bánh kem. Rẻ nhưng mà bánh cứng, không ngon.
Tôi mua bánh từ tiệm ở tỉnh về, rất mềm.
Quả nhiên ông nội ăn một miếng, ngạc nhiên: “Sao cái bánh này mềm hơn bông nữa vậy? Có phải đắt lắm không?”
“Không đắt mà, 5 tệ một hộp.”
Thật ra là 15 tệ.
Tôi lại lấy ủng lông mua cho ông ra.
Ông nội kinh ngạc, cảm thán không ngừng: “Cái này ấm quá, nhiều tiền lắm hả?”
“40 à!”
Thật ra là 140 tệ.
Ông nội cau mày: “Mắc quá.”
Tôi cười: “Vậy nội mang mỗi ngày đi, mang mấy năm là hồi vốn.”
Tôi còn mua cho ông nội một chiếc áo lông vũ màu đen.
Ông nội lắc đầu: “Nhẹ vầy mùa đông mặc vô chết cóng!”
“Nội thử xem sao.”
Ông nội cởi áo bông cũ kỹ dày cộm của mình ra, mặc áo lông vũ tôi mua vào, còn cố tình ra ngoài đi vài vòng.
Ông rất hào hứng: “Trước đây dẫn con đi khám bệnh trên tỉnh, thấy mùa đông họ mặc áo mỏng như vầy, ông còn thấy quái lạ, sao họ không sợ lạnh? Thì ra áo lông này nhẹ mà ấm! Cái này bao nhiêu tiền?”
“50 tệ ạ!”
Ông nội sờ sờ: “Cũng được, không mắc quá.”
Buổi chiều, ông mặc áo lông, đi ủng lông dạo vòng khắp thôn. Gặp ai cũng nói áo lông 50 tệ, ủng lông 40 tệ, nói đồ tôi mua vừa rẻ vừa tốt.
Mấy thím mấy cô không biết tình hình, chạy tới hỏi tôi mua ở đâu. Tôi đành nói cửa hàng khuyến mãi, bây giờ bán hết hàng rồi.
Ngày hôm sau, ông lại mặc đồ cũ của mình.
“Nội, đồ con mua sao nội không mặc?”
“Đợi Tết rồi mặc!”