Nhưng mà cuộc đời tai bay vạ gió – tai hoạ ập đến bất ngờ.
Vào một đêm mưa, chú Thành chở mẹ trên một chiếc xe máy, hai người đang trên đường về nhà thì bất cẩn rơi xuống nước rồi qua đời.
Chỉ mới vài ngày trước, tôi vừa nhận được kết quả thi chuyển cấp và bàn luận với họ nên học ở trường cấp hai nào.
Năm đó tôi chỉ mới mười hai tuổi mà gặp phải chuyện này, ngay cả đám tang cũng là do một người hàng xóm tốt bụng tổ chức hộ.
Tôi đã khóc không biết bao nhiêu lần, đêm đến thì mất ngủ, vừa khóc vừa thu dọn di vật của hai người họ.
Trình Bạch cứ đi theo tôi suốt, thấy tôi khóc anh ấy cũng khóc theo; buổi tối tôi không ngủ, dù có buồn ngủ đến mấy thì anh ấy cũng cố gắng gượng ngồi bên cạnh tôi.
Sau bảy ngày mẹ và chú Thành qua đời, tôi ôm lấy Trình Bạch mà khóc.
“Anh ơi, họ đều đi cả rồi, sau này chỉ còn lại chúng ta nương tựa lẫn nhau thôi.”
Ngày hôm đó anh cũng khóc.
Khi ấy gia đình tôi vừa mới mua xe nên không còn nhiều tiền.
Tôi tính kỹ rồi, nếu như tôi tiếp tục đi học, sống thắt lưng buộc bụng thì cùng lắm cũng chỉ cầm cự được hai năm.
Vì vậy, tôi phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là nên tiếp tục đi học hay từ bỏ việc học.
Tôi biết mình không nên ích kỷ. Với tình cảnh hiện tại, dù tôi có đi học thì cũng chỉ học được hai năm rồi lại phải bỏ học thôi.
Song, tôi không muốn bỏ cuộc. Điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời mẹ tôi là bà đã cố gắng rất nhiều để thi vào trường đại học mà bà yêu thích, nhưng lại trượt mất.
Vì vậy, mẹ tôi luôn hy vọng tôi có thể đậu đại học.
Tôi cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc học hành thành danh.
Sau một tuần trầm lặng, tôi quyết định từ bỏ việc học.
Vào ngày thứ hai sau khi tôi bỏ cuộc, anh trai nhét vài tờ tiền vào tay tôi.
“Song Song, đi học, đi học.”
Anh ấy cố chấp nhưng cũng rất lo lắng, chỉ sợ tôi sẽ từ chối.
Tôi hỏi: “Anh lấy số tiền này ở đâu ra vậy?”.
Tôi thấy tay anh trai đầy những vết sẹo, trông rất thô ráp, không đẹp mắt chút nào cả.
Anh ấy cười như một đứa trẻ: “Song Song, cho em, cho em hết.”
Tôi đi theo anh ấy suốt một quãng đường mới biết được anh ấy đã tìm một công trường để làm việc.
Anh hai rất ngốc, ngốc đến mức không biết tiền dùng để làm gì.
Nhưng anh ấy lại biết tôi cần tiền.
Thế là anh ấy cầm lấy một tờ tiền và đi hỏi hết người này đến người khác.
Cuối cùng, những người làm việc ở công trường nói với anh ấy rằng chỉ cần làm việc thì anh ấy sẽ được trả tiền, thế là anh ấy đã chuyển gạch cả một buổi chiều.
Trong những trường hợp bình thường, tiền lương được phát mỗi tháng một lần.
Nhưng anh trai tôi không hiểu những điều này, đội trưởng công trường thấy anh trai tội nghiệp nên phá lệ phát lương theo ngày cho anh ấy.
Sau khi biết được mọi chuyện, đêm đó tôi lại khóc.
Anh trai thấy tôi khóc không ngừng thì chẳng biết làm thế nào cả, chỉ đành ôm tôi rồi khóc theo.
“Anh hai sẽ bảo vệ Song Song.”
Đây là lần đầu tiên anh ấy nói câu này với tôi.
Tôi chợt nhớ ra, khi tôi mới đến nhà họ Trình, đây là câu đầu tiên chú Thành nói với anh ấy.
Hoá ra anh ấy vẫn luôn ghi nhớ câu nói này.
Ngày hôm đó tôi quỳ gối trước mặt anh ấy, dập đầu mấy cái thật mạnh: “Anh hai, nếu đời này em dám làm bất kỳ chuyện gì có lỗi với anh thì em sẽ bị sét đánh chet bất đắc kỳ tử, chet không được tử tế!”
Anh ấy không hiểu lời tôi nói, cũng không biết tại sao tôi lại làm như vậy, chỉ cố gắng dùng sức kéo tôi dậy.
***
Tôi đã chính thức bước vào trường trung học cơ sở, mỗi ngày về nhà một lần.
Sau khi về nhà, tôi sẽ chuẩn bị cơm nước xong xuôi rồi đến công trường gọi anh hai về nhà ăn tối.
Nghe người ta đồn làm càng nhiều thì tiền nhận được càng cao, thế là anh hai trở thành người siêng năng nhất công trường.
Quả nhiên tiền lương hằng ngày của anh hai cao hơn hẳn, nhưng những vết sẹo trên tay cũng nhiều hơn, vết thương cũ mới chồng chất lên nhau, sờ vào không thấy được chỗ nào lành lặn cả.
Anh ấy dùng chính đôi tay này để đưa cho tôi tất cả số tiền mà anh ấy có, lần nào anh ấy cũng vui vẻ như một đứa trẻ đang chờ được khen thưởng.
Nhưng tôi không muốn anh hai phải cực khổ như vậy.
Chuyện gì anh ấy cũng nghe lời tôi, nhưng riêng vấn đề này thì anh ấy lại bướng bỉnh cực kỳ.
Lúc nào anh hai cũng cười ngốc nghếch: “Song Song vui vẻ, anh hai không mệt.”
Tôi ôm chặt lấy anh hai, tôi biết tôi nợ anh, cả đời này trả cũng không hết, nhưng tôi nguyện dùng cả đời này để báo đáp cho anh.
Trong kế hoạch của cuộc đời tôi, tôi không hề có ý định kết hôn.
Bởi vì tôi sợ, sợ anh hai phải tủi thân, cho dù khả năng xảy ra chỉ nhỏ xíu thôi thì tôi vẫn rất sợ.
Anh ấy che chở tôi như vậy, tôi cũng đâu nỡ?
***
Đến năm tôi học lớp 9, bởi vì việc học bận rộn nên tôi phải học nội trú, một tuần chỉ về nhà một lần.
Hoàn cảnh thế này khiến tôi lo lắng và bất an lắm, nhưng anh hai thật sự rất nghe lời, những chuyện tôi không cho phép anh ấy làm, anh ấy nhất định sẽ không vi phạm. Mỗi lần về nhà, tôi đều thấy anh hai ngồi xổm ở cửa đợi tôi.
Sau khi chắc chắn một tuần chỉ về nhà một lần mà anh ấy vẫn ổn, không gặp bất kỳ nguy hiểm hay xảy ra sự cố ngoài ý muốn nào, tôi mới dần dần yên tâm.
***
Sau khi tốt nghiệp cấp hai, những khó khăn mới lại xuất hiện.
Thành tích của tôi rất tốt, vượt qua điểm sàn của các trường trung học trọng điểm.
Vấn đề là, nơi ở của chúng tôi hơi xa, ở đây không có trường cấp ba, cùng lắm là có một trường cấp hai mà thôi.
Muốn học cấp ba thì bắt buộc phải đi xa, trường càng tốt thì nằm càng xa.
Sau một hồi sàng lọc, tôi đã chọn một trường cấp ba không quá xa.
Nhưng trường học này nửa tháng mới cho nghỉ một lần, ngồi xe về phải mất mấy tiếng đồng hồ.
Tôi lại do dự.
Một tuần mới về đã đủ làm tôi lo lắng không yên, huống hồ là nửa tháng chứ.
Tôi nghĩ ngợi suốt cả tuần liền, đồng thời hỏi anh hai rất nhiều câu hỏi.
Sau cùng tôi quyết định theo học ngôi trường đó.
Tôi mua cho anh hai một chiếc điện thoại di động, sau đó dành vài tuần để dạy anh ấy cách gọi điện và nhận cuộc gọi từ tôi.
Trong quá trình này, tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng truyệt đối không được đi lung tung, phải ngoan ngoãn ở nhà đợi tôi quay về.
Anh đã đồng ý.
Trong lòng tôi có một kế hoạch, tôi muốn vừa học vừa làm thêm, tôi phải nhanh chóng tiết kiệm đủ tiền để đón anh hai qua ở gần mình, tôi không muốn anh ấy làm việc ở công trường nữa, tôi không muốn nhìn thấy đôi tay của anh ấy lại đầy rẫy vết thương.
Vì vậy tôi phát tờ rơi vào thứ Bảy và Chủ nhật, lần nào cũng đứng suốt mấy tiếng đồng hồ.
Tôi viết mấy quyển ghi chú ôn tập, in ra và bán cho các bạn trong trường. Bởi vì thành tích của tôi luôn nằm trong top ba của lớp nên bọn họ sẵn lòng tin tưởng tôi.
Thậm chí tôi còn bán những thứ lặt vặt ở trường, bao gồm văn phòng phẩm và những nhu yếu phẩm hàng ngày mà học sinh nội trú có thể sử dụng.
Ở trường không cho phép mua bán, nhưng tôi biết cách ăn nói, dùng lời ngon tiếng ngọt, thêm vào đó còn giả vờ đáng thương nữa chứ.
Nhưng cũng không thể nói tôi là tôi đang giả vờ được, dù sao những lời tôi nói đều là sự thật.
Trong khoảng thời gian đó, tôi cần tiền đến phát điên.
Các giáo viên trong trường thấy hoàn cảnh của tôi đáng thương, ngoài ra thành tích của tôi không hề giảm sút, lại còn giúp nhiều học sinh khác trong lớp nâng cao điểm số, thế nên họ đành mắt nhắm mắt mở làm ngơ.
Cô chủ nhiệm còn giúp tôi làm đơn xin miễn học phí cho học sinh nghèo, mỗi học kỳ còn được nhận ít tiền.
Tôi vô cùng biết ơn, ghi tất cả những điều này vào sổ.
Tôi biết không ai có nghĩa vụ phải hỗ trợ hay cưu mang mình cả. Vì vậy, tôi sẽ ghi nhớ tất cả những người đã giúp đỡ mình và cố gắng đền đáp bọn họ.
**