Bí Mật Của Bà Nội

Chương 4



10.
Ngôi nhà cũ được tu sửa lại khang trang đẹp đẽ.

Trái ngược hẳn với những ngôi nhà ngói làm từ đất thấp bé, xiêu vẹo trong làng.

Ngôi nhà của bà nội vốn tứ bề gió lùa nay đã được sửa sang lại cẩn thận, còn được trải cả thảm.

Chỗ nào trong nhà cũng thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cái với người mẹ già.

Sau khi sắp xếp ổn thỏa cho bà, tôi dẫn theo người làm đi phát quà tận nơi cho từng nhà trong thôn.

Mọi người ai nấy đều cười nói vui vẻ, họ nói bà nội tôi đã vất vả cả đời, cuối cùng cũng được hưởng phúc rồi, bà đúng là may mắn.

Tuy nhiên, mấy ngày sau, khi tôi lang thang quanh làng một mình.

Những gì tôi nghe được lại là một câu chuyện khác.

“Người giàu có khác. Về đây phải khoe khoang mình đã sửa được cái nhà to đẹp như thế nào để khẳng định cái danh con hiếu con thảo của bọn họ.”

“Suỵt, cái nhà kia bây giờ đã giàu sang phú quý rồi, có mấy chuyện không nói ra được đâu.”

“Có gì mà không nói ra được!”

“Năm năm trước, bà già ấy bị ném về quê một thân một mình, có thấy đứa con hiếu thảo nào đâu? Cả nhà bọn họ là một đám súc sinh!”

“Ừ, đúng rồi, khi đó cuộc sống của bà cụ còn tệ hại hơn cả ăn xin ấy chứ …”

Mấy người già trong làng bắt đầu hăng máu, mồm năm miệng mười đem chuyện quá khứ ra nói.

Tôi cũng biết hồi đó bà nội sống không bằng chết.

11.
Năm năm trước đây.

Ngôi nhà cũ này rất dột nát, lung lay, sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào.

Hai vợ chồng bác cả muốn để cho bà nội chết đói.

Nên chỉ để lại mấy cái bánh bao hấp cho bà.

Thùng gạo trống không, bếp núc cũng không có gì, bà nội thì mù lòa, thậm chí còn phải mò mẫm đến chiếc giếng cũ sau nhà để uống nước.

Mà con đường dẫn đến cái giếng cũ sau nhà phủ đầy rêu xanh.

Bà không thấy đường đi, thường xuyên bị ngã đến độ sưng tấy bầm tím hết người.

Sau đó, bánh bao cũng hết.

Bà nội đói đến mức phải ăn cả củi và cỏ khô mốc meo ở nhà.

Dân làng chịu không nổi cảnh này nên nhà nào có đồ thừa đều đem đến cho bà, đồ ăn của bà như đồ của đám chó hoang trong làng.

Tôi lén lút để dành tiền gửi đồ ăn cho bà nhưng lại bị một tên giang hồ vô liêm sỉ chặn ở cổng làng.

“Cái nhà đấy muốn bà già chết đói thì để tao giúp họ một tay.”

“Chết đói càng nhanh thì càng được giải thoát sớm.”

Tên giang hồ vô liêm sỉ này dám ăn nói kiểu đó, hẳn là không thiếu công lao phía sau của cô út, vì trước lúc rời đi, cô đã lén lút cho hắn một khoản tiền.

Người trong làng vốn đã không giàu có gì cho cam nên chỉ có thể thỉnh thoảng giúp đỡ, nhưng lâu dần họ cũng không còn sẵn lòng cho bà đồ ăn nữa, hơn nữa, còn có mấy tên giang hồ ngày ngày đến quấy nhiễu.

Ngày qua ngày.

Mấy người trong làng dường như cũng ngầm thỏa hiệp với quyết định của gia đình chúng tôi, trở thành người câm điếc, tiếp tay cho chuyện tốt của nhà chúng tôi.

“Hồi đó chỉ có bà Vương là vẫn ngày ngày chạy qua đưa cơm cho bà.”

Một ông già nói, ánh mắt có chút lảng tránh.

“Phi phi phi! Đừng có nhắc đến bà ta nữa, xui xẻo lắm!”

Khi nhắc đến bà Vương, vẻ mặt của mấy người họ thay đổi, lập tức ngừng bàn tán.

12.
Bên cạnh nhà của bà nội ở quê có một ngôi nhà nhỏ đã bị bỏ hoang từ lâu.

Không sân, không hàng rào, chỉ đứng đó một mình.

Bà nội nói, đây là nhà của bà Vương.

“Bà Vương đâu rồi?”

“Không thấy, chắc là đi xa rồi, sau này sẽ trở về.”

Khác với nụ cười đối phó với những người dân trong làng ngày thường đến chào hỏi, nụ cười của bà hiền lành và nhân hậu.

Trong thâm tâm của bà nội, bà Vương chắc hẳn là một người rất tốt.

Nhưng người trong làng này lại cho rằng bà ấy là một con yêu quái.

Quê tôi tựa lưng vào núi, quanh năm mây mù bao phủ, thường xuyên nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, có truyền thuyết cho rằng trong núi có hồ yêu.

Hồ yêu sống đơn độc, có thể mang hình dạng con người và qua nhiều năm cũng không thay đổi tướng mạo.

Bà Vương một mình chuyển đến ngôi làng này, không ai biết bà từ đâu tới, tính tình lại trầm lặng và không thích giao du.

Ban đầu mọi người cũng chỉ nghĩ bà là một bà lão lập dị và cô đơn, cho đến sau này gia đình trưởng thôn cưới vợ, tất cả các nhà trong làng đều đến chúc mừng.

Có một ông lão ở cái làng cách xa mấy ngọn núi đến dự tiệc cưới và nhìn thấy bà Vương.

Ông ta sợ đến mức ngã xuống đất.

Ông ta kể rằng hồi còn nhỏ, ông ta vào rừng hái thuốc bị lạc đường thì gặp được một bà lão đưa ông ta ra khỏi núi.

Khi chia tay, bà lão bảo ông ta cứ đi tiếp và đừng ngoảnh lại.

Ông ta vừa sợ vừa tò mò nên lén quay lại nhìn bóng lưng của bà.

Dưới bộ quần áo cũ nát, một cái đuôi to màu trắng như tuyết đang phát sáng.

Mà con hồ yêu kia lại giống bà Vương như đúc.

Dù là chuyện lúc say nói nhảm nhưng mọi người ít nhiều đều tin.

Từ đó trở đi không có ai dám qua lại gì với bà Vương nữa.

Cho đến khi bà nội bị gia đình chúng tôi ném về quê.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner