Khi ra khỏi tiệm net, chị thay giày cao gót với sườn xám ra.
“Chị cố ý mặc để lấy hên đó, kỳ khai đắc thắng, rực rỡ. Gót chân chị bị mài phồng lên rồi.”
Tối đó, chúng tôi đi dọc theo bờ kè. Xa cách 3 năm, có rất nhiều điều để nói.
Nói mãi, nói mãi, giọng khàn đi.
Trời mờ sáng, mặt trời lặng lẽ nhô lên từ phía chân trời.
Chị Hương Liễu ôm tôi: “Tinh Tinh, chị mua vé tàu 10 giờ, giờ phải đi rồi.”
“Chị được nghỉ có 4 ngày, sao phải vội về làm gì?”
Thời đó chưa có đường sắt cao tốc, đi xe lửa mất mười mấy giờ. Bôn ba chạy đi chạy về rất vất vả.
“Trước đây chị đã lỡ lúc có điểm thi tuyển sinh cấp 3 của em rồi, không muốn bỏ lỡ lúc điểm thi đại học của em. Chị là chị, chị hy vọng mỗi khoảnh khắc quan trọng trong đời em đều có chị bên cạnh.”
Lúc gần đi, chị nhẹ nhàng ôm tôi.
“Em điền nguyện vọng trường nào đó ở Thượng Hải hoặc gần đó, sau này chúng ta có thể gặp nhau thường hơn.”
Trự sở chính công ty chị ở Thượng Hải.
Trước kia chị nói muốn đi thăm Cố cung, Vạn lý trường thành, Phuơng đông minh châu. Ít nhất chị đã thực hiện được một phần.
Tôi và thầy Trịnh bàn bạc, so sánh nhiều lần, cuối cùng tôi nộp đơn vào một trường 985 ở Thượng Hải.
Vào thời điểm đó, điểm số trường tôi không quá cao. Mấy năm sau tôi tốt nghiệp, lúc chú ý tin tức thì nó đã đạt ở độ cao mà tôi không tưởng tượng được.
Sau khi nhận được thông báo, người trong thôn đều biết tôi đã đậu một trường đại học tốt ở Thượng Hải.
Họ tấm tắc khen chuyện lạ, tán thưởng không ngừng.
“Tinh Tinh thật giỏi quá!”
“Con bé này số may thật, mộ phần tổ tiên bốc khói rồi.”
Bác Mạnh cắn hạt dưa, liếc xéo: “Mấy người biết con bé cố gắng đến mức nào không? Đêm giao thừa, nó còn học bài, tôi thấy nó phải vào Thanh Hoa Bắc đại mới xứng.”
Chỉ 3-4 năm ngắn ngủi, trong thôn đã có nhiều người đi ra ngoài. Họ nhìn thấy thế giới, đã biết việc học có lợi thế nào. Học hành có thể nhận tiền lương cao hơn, có thể ngồi trong văn phòng máy lạnh. Người có học thức không cần làm việc nặng nhọc, dơ bẩn. Người có học có thể thản nhiên đi vào những trung tâm thương mại sáng sủa, sạch sẽ.
Ngoài ra, con gái có học hành có thể cưới được người tốt. Nhận được sính lễ cao, sau này có thể giúp đỡ anh em trong nhà tốt hơn.
Họ dường như đang tiến về phía trước. Nhưng hình như… vẫn còn ngừng tại chỗ.
Bố quay về thôn một chuyến, nhận được vô số lời khen ngợi.
“Ông là người có phúc, con gái không cần lo mà vẫn đỗ được trường đại học tốt như vậy!”
“Sau này ông già rồi có người nuôi.”
“Có thêm được đứa con trai là cuộc đời ông trọn vẹn.”
…
Bố quyết định tổ chức tiệc mừng khai giảng cho tôi.
“Mấy năm nay bỏ nhiều tiền đi mừng rồi, dù gì cũng phải thu lại.”
Ông thuê tám cái rạp, mỗi cái 200 tệ, dựng nối nhau kéo dài từ trên núi xuống tận đường, không khí náo nhiệt.
Pháo hoa 51 tệ một cái, ông mua 20 cái. Ban ngày đốt lên chẳng thấy pháo hoa gì.
Ông uống rượu mặt mũi đỏ bừng, chỉ khung cảnh náo nhiệt, hỏi tôi: “Mày xem, bố đối xử với mày tốt chứ?”
26.
Tôi yên lặng nhìn ông, đáp: “Mùa đông năm đó tôi tìm ông xin tiền sinh hoạt. Lúc đó sao ông không cho tôi nhiều hơn một chút?”
Thà bỏ tiền tiêu cho những thứ phô trương lãng phí không có ý nghĩa này cũng không chịu cho tôi.
Tôi cầm 100 tệ kia, sáng ăn màn thầu với nước lạnh. Trưa ăn mì gói loại rẻ nhất. Tối gọi một phần cơm ở căn tin, lấy gói gia vị mì gói còn lại của buổi trưa ngâm với nước nóng.
Cứ vậy mà vượt qua mùa đông dài dằng dặc khó khăn đó.
Nếu khi đó, ông ấy có thể cho tôi ăn no. Có thể quan tâm tôi vài câu. Có thể tôi sẽ cam tâm tình nguyện phụng dưỡng ông, quãng đời còn lại sau này sẽ hiếu thảo với ông.
Mẹ kế cũng đưa Ưu Ưu đến. Bà ấy lớn lên trong thành phố, không thích ở nông thôn. Kết hôn với bố nhiều năm như vậy nhưng chưa bao giờ về quê.
Bà nở nụ cười, đẩy Ưu Ưu tới trước mặt tôi: “Ưu Ưu, gọi chị đi. Chị thi đậu đại học tốt, giỏi lắm. Sau này chị dạy Ưu Ưu học, Ưu Ưu chúng ta sẽ thi Thanh Hoa Bắc đại nhé?”
Ưu Ưu ngây thơ ngửa đầu hỏi mẹ kế: “Mẹ, chị ấy không phải ăn xin à? Chị là ăn xin?”