Người Âm Mai Mối

Chương 21



Cả ngày hôm ấy thím Mười chỉ nghĩ phải làm sao để biết đất nhà mình có vong hay không, khi ra đến bể chứa nuôi con hổ mang chúa, đôi mắt thím Mười bỗng sáng rực lên. Bất chợt thím Mười vỗ đùi đét cái, nói một mình:

– Phải rồi, thế mà mình cũng nghĩ không ra. Chắc hôm nào rảnh bớt việc đồng áng, mình phải sang nhà thầy một chuyến nhờ ông ấy xem đất cát nhà cửa.

Nghĩ đến đây, thím Mười hí ha hí hửng hé nắp bể kênh ra, thả thức ăn vào cho rắn với một niềm tin mãnh liệt, rằng..con rắn hổ mang chúa này sẽ mang lại may mắn cho cuộc đời của mình.

Buổi tối, mâm cơm đạm bạc được Tường Vân dọn lên hiên. Nhìn vào đĩa cá mắm thím Mười nghiến răng trợn mắt quát:

– Con này, nhà có 5 người mày chỉ được phép 3 con cá mắm thôi chứ? Tại sao mày rán tới 5 con hử?

Con bé Tường Vân rụt rè, sợ hãi, lí nhí đáp:

– Dạ, con tưởng mỗi người 1 con. Nên con mới..mới..mới..

Tường Vân nói chưa hết câu, thím Mười gắt lên đay nghiến chửi:

– Mày lại cãi lời tao đấy hử? Vô dụng ăn bám giống giống ký sinh trùng như tụi bây thì chỉ xứng đáng cạp đất mà ăn chứ nói gì đến cơm trắng, cá rán? Hừm..

Nói đến đấy. Thín Mười đứng phắt dậy bưng theo đĩa cá rán đi xuống bếp. Nhấc chảo lên bếp than đang đỏ rực thả vào trong 2 con cá mắm, sau đó đổ thêm nửa lạng muối vào đảo cùng. Đến khi nhìn thấy hai con cá mắm trong chảo dính muối trắng phớ mới chịu nhấc chảo xuống. Bưng lại đĩa cá lên nhà, đặt” Cạch” cái đĩa thật mạnh xuống mâm, nói như ra lệnh.

– Đấy! Chia ra mà hốc( ăn ). Còn chúng bay muốn ăn ngon thì bảo bà ta đưa tiền đây tao mua thức ăn về nấu cho mà xơi.

Cụ Doãn thở dài, ngoắc Tường Vân ngồi xuống bên cạnh rồi nói nhỏ:

– Thôi ăn cơm đi cháu. Ăn xong vào buồng xem lại bài vở lấy ra học. Sắp tới ngày tựu trường rồi đấy.

Thím Mười tức tối, ném đôi đũa xuống mâm tỏ vẻ thái độ nhưng cụ Doãn không hề bận tâm. Điều đó càng làm cho thím Mười thêm tức giận.

Hai con cá mắm cụ Doãn và Tường Vân hai người chia nhau 1 con, mỗi người một nửa, phần con còn lại nhường cho thằng bé Hoàng Minh. Khổ nỗi cá mặn quá thằng bé lỡ cắn một miếng phải nhổ ra vội. Thím Mười thấy vậy nhéo tai nó một cái, trợn mắt rít lên:

– Á à! Tao cực khổ mua được ít cá về ăn mà mày còn lãng phí nhổ thức ăn xuống đất? Lâu ngày mày chưa được ăn đòn có đúng vậy không?

Thằng bé khóc rống lên, mặt mày tím ngắt, cái tai bị thím Mười nhéo đến đỏ ửng. Nói trong tiếng nấc” Cá mặn, con đau..”.

– Mày biết đau còn dám lãng phí thức ăn?

Tường Vân vội buông bát cơm xuống, hai tay bấu vào cánh tay của thím Mười, lay lay mếu máo nài nỉ:

– Thím ơi, em con nó còn nhỏ chưa biết gì, con xin thím tha cho em con.

Cụ Doãn nói:

– Trời đánh tránh miếng ăn. Có ai quá đáng như chị không, đời thủa nhà ai cá mắm đã mặn sẵn rồi chị còn đổ thêm muối vào rang lên cho mặn hơn. Chị thử cắn một miếng xem có nuốt được không chứ nói gì đến bắt con nít chúng nó ăn.

Thím Mười trừng mắt nhìn mẹ chồng, toan cãi lại nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà thím Mười thôi không nói ra nữa. Bàn tay thô cứng cũng buông ra khỏi tai Hoàng Minh, lấy đà hất văng cánh tay nhỏ nhắn của Tường Vân ra, bưng bát cơm lên rồi nói:

– Tôi làm vậy để răn đe dạy bảo chúng nó mà thôi, bà có cần xồn xồn lên như vậy không? Hừm! Còn hai đứa bay, hãy nhớ đây là bài học cho tao, lần sau tái phạm không dễ mà được bỏ qua như vậy đâu nhé.

Suốt bữa cơm hôm ấy hai chị em con bé Tường Văn ngồi ăn trong nước mắt. Không biết đã nhiêu giọt nước mắt rơi xuống bát cơm, nhiều đến nỗi tựa như bát cơm chan nước mắt.
—-
Đêm nay, thím Mười lại nhớ đến người tình. Nằm trên giường trằn trọc mãi chẳng thể nhắm mắt. Cứ hết thở dài, quay sang bên này, vặn người nằm ngược sang bên kia, có lúc lại ngồi bật dậy, tựa lưng vào thành giường ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, xa xăm.

Một lúc sau, thím Mười dạy đi tiểu, khi đi ngang qua phòng cụ Doãn thím Mười khựng chân, nghe thấy tiếng thở đều đều của cụ xong lại nhớ đến số tiền bán đất cụ Doãn đang giữ, trong lòng thím Mười lại dâng lên nỗi khó chịu.

Thím quay lại giường ngủ, nghĩ cuộc sống cơ cực này mãi kéo dài thì đời mình càng thêm khổ. Cách làm giàu nhanh nhất bây giờ không phải đi cướp ngân hàng, mà là làm thế nào để cuỗm được hết số tiền bán đất trong tay cụ Doãn.

Nghĩ là làm, thím Mười bật dậy đi ra khỏi phòng, rón rén bước đến bên cạnh buồng chỗ cụ Doãn nằm ngủ. Sau khi để ý xung quanh thấy không có ai, thím mới khẽ khàng từ từ đưa mắt ghé sát cửa quan sát qua kẽ hở.

Một tia sáng màu vàng chói loá phát ra từ dưới gầm giường của cụ Doãn làm thím Mười sửng sốt hơn bao giờ hết. Nhưng ánh sáng rất nhanh vụt tắt trước mắt thím Mười, bây giờ nó chỉ còn lại một màn đêm vô tận. Vạn vật trong phòng cụ Doãn cũng bị nhuốm đen.

Thím Mười nhấc mặt ra khỏi cánh cửa, đứng thẳng lưng im lặng không dám thở mạnh, suy nghĩ về thứ ánh sáng chói loá vừa nãy. Một lát sau, thím Mười quay lại buồng ngủ nằm trên giường suy nghĩ mãi về tia sáng đó.

Bỗng, thím Mười ngồi bật dậy, lảm nhảm nói trong miệng:” Có khi nào đó là vàng không nhỉ? Chẳng nhẽ mụ già ấy lại có vàng đem giấu con cháu?” Xong thím Mười lắc đầu, nói như khẳng định:” Mà không đúng. Mình nhớ mụ ta nghèo rớt mồng tơi, hồi con trai mụ ấy bệnh đến nỗi phải nhập viện mụ ấy vẫn không thèm bỏ ra một cắc bạc, báo hại mình phải chạy vòng vòng xoay tiền đóng viện phí.” Nhưng sau câu nói đó, thím Mười lại tự hỏi bản thân:” mà khoan, có khi nào mụ già ấy lấy tiền bán đất đem đi mua vàng hay không? Đúng vậy rồi, chắc chắn đúng là vậy!” Từ lúc đó cho đến lúc trời sáng, thím Mười không ngủ mà chỉ cố nghĩ ra cách làm sao để lấy được số tiền và vàng trong buồng cụ Doãn.
—-
Chiều hôm sau, thím Mười vừa quẩy gánh phân ra đến ruộng vãi lúa thì gặp chú Công đi lom khom trên bờ đê. Thím Mười đặt quang gánh xuống, vẫy tay gọi chú Công ngoắc lại và bảo:

– Anh Công, anh Công! Bận gì không xuống đây em bảo.

Chú Công dừng lại, nhìn khắp cánh đồng có mỗi hai người, mà có thì tít tận đằng xa kia mới có vào ba bóng người, nhưng họ làm ở rất xa chỗ hai người đang đứng.

Chú Công đi vòng xuống, thở dài hỏi:

– Đằng ấy gọi tôi có chuyện gì không?

Thím Mười bĩu môi, giận hờn nói:

– Thế cứ phải có chuyện thì đằng ấy mới cho người ta gặp mặt đấy à?

Chú Công cười ngượng hì hì, xoa dịu người tình:

– Ấy chết! Anh lỡ lời tí làm gì đã giận hờn nhanh vậy. Thế có chuyện gì đằng ấy nói đi.

Thím Mười tỏ vẻ thần bí, đảo mắt quan sát bốn phương tám hướng, khi biết rõ quanh đây chỉ có mỗi hai người thì thím Mười mới kéo chú Công ngồi vào sát chỗ mình. Sau đó thì thầm to nhỏ bên tai, không rõ thím Mười bàn tính chuyện gì mà khi chú Công nghe đến đâu miệng mồm há hốc ra đến đó.

Hai mắt chú Công bừng mở to tròn, nhấc đầu ra khỏi mặt thím Mười, nuốt nước miếng xong hỏi:

– Thật..thật..chứ? Em tính làm vậy thật hả Thuỷ?

– Thật chứ sao không? Em nghĩ ra chỗ quăng mụ ta đi luôn rồi. Chỉ cần đợi trời tối là chúng mình ra tay.

Thấy chú Công còn đắn đo, không dứt khoát nên thím Mười lại nói:

– Nếu anh Công sợ thì thôi, em làm một mình. Sau này em ấm thân thì khi ấy anh Công đừng có mà đến tìm em đấy nhé.

Chú Công bặm môi, hai tay đặt trước đầu gối suy nghĩ một lúc rồi cuối cùng cũng miễn cưỡng gật đầu.

– Thôi được! Nhưng em hứa không bạc đãi đối xử tệ bạc với anh như cách em đối xử với chồng em chứ?


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner