Người Âm Mai Mối

Chương 26



Sáng hôm sau, nắng vừa lên.

Tiếng xe đạp cọc cạch từ ngoài cổng vọng vào làm bác trưởng thôn đang rửa mặt ngoài giếng phải ngước lên nhìn.

Thấy thím Mười đến, bác trưởng thôn cười, hỏi:

– Thím Mười đi đâu mà ghé nhà tôi sớm thế?

Thím Mười cười hề hề, giả vờ vui vẻ bơ đi chuyện lùm xung không hay trong quá khứ của bác trưởng thôn không nhắc đến, bởi lẽ lần này sang đây là muốn được việc mau lẹ.

Thím Mười đáp:

– Em sang đây có tí việc nhờ bác.

– Ồ! Có chuyện gì thím Mười cứ nói.

– Em muốn hỏi bác cái vụ Vườn Ao Chuồng ấy mà. Lần này thửa ruộng cạnh bờ sông nhà em liệu có rơi trúng vào diện quy hoạch không bác?

Bác trưởng thôn cười, nói:

– Có đấy! Lần này trúng ngay khu đất đó đấy. Không chỉ nhà thím thôi đâu, còn nhiều hộ cũng may mắn được đào ao thả cá ở đất ruộng ấy chứ.

Thím Mười hề hề, dặn bác trưởng thôn:

– Vậy lần này bác trưởng thôn phải ưu tiên tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà em đấy nhá. Đừng như lần trước bác nhé.

Câu nói vừa đấm vừa xoa của thím Mười muốn ám chỉ điều gì, bác trưởng thôn biết cả chứ. Nhưng bác ấy chỉ mỉm cười rồi nhỏ giọng nói:

– Lần này có chỉ thị từ các cấp trên xuống tới thôn, tôi làm gì có quyền cấm cản bà con không được đào ao? Nhưng đào ra làm sao, vẫn phải theo mô hình ở trên chỉ thị xuống. Còn chuyện ngày xưa, bất đắc dĩ tôi mới phải làm vậy mà thím. Thân làm làm trưởng thôn như tôi cũng giống như ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, thím hiểu quá rõ rồi còn gì. Chuyện cũ, thôi xí xoá thím Mười nhé!

Thím Mười cười hề hề, đứng nói chuyện thêm một lúc thì thím ấy xin phép ra về. Khi đi ngang qua chỗ trạm y tế xã, thím Mười tạt ngang vào, kéo đứa cháu họ làm y tá ở trên đó ra một góc, ánh mắt đảo ngó thám thính xung quanh rồi mới nói:

– Đồ thím dặn, mày mua được chưa?
Cô y tá:
– Rồi đó thím. Thuốc thím cần đây. À mà, thím mua thuốc ngủ về làm gì mà dặn cháu mua nhiều thế? Lạm dụng thuốc này nhiều không tốt đâu thím nhé.

Như sợ ai nghe thấy, thím Mười đưa tay lên bịt miệng cô y tá, suỵt dài một tiếng, tỏ vẻ thần bí thì thầm nói:

– Tin sư cái miệng mày, con gái con đứa nói chuyện nhỏ nhẹ xem nào, cứ bô bô ra thế hả. Dạo này thím mất ngủ, do nhớ chú mày quá đấy, thêm chuyện mẹ chồng mất tích làm tao mệt mỏi lo lắng đến độ quên ăn mất ngủ.

Thấy thím Mười nói có lý, cô y tá dặn dò:

– Tội nghiệp thím. Cháu chỉ mua được một ít thôi, thuốc này bác sĩ bán theo đơn, không bán nhiều được đâu.

Thím Mười dúi tiền vào tay cô y tá, nhét gói thuốc giấu vào túi quần rồi nói:

– Tao biết rồi, mỗi tối 1 viên thôi chứ gì. Thôi cầm lấy tiền vào làm việc đi, thím về xem mấy đứa nhỏ lo cơm nước xong chưa.”

– Vâng, thím.
—-

Tối đến, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm hôm nay do chính tay thím Mười vào bếp nấu nướng. Đám trẻ nhìn chăm chăm vào mâm cơm sực nức mùi thức ăn thơm phức toả ra, đứa nào đứa nấy không kiềm chế nổi cảm xúc cơn đói cồn cào trong bụng, nuốt nước miếng ực..ực.

Mâm cơm tối nay thịnh soạn hơn hẳn thường ngày. Nào là cá kho tương bần với khế chua, canh cà chua nấu trứng, đậu cove xào thịt bịt bò, lại có cả thêm mấy quả chuối chín ăn tráng miệng. Đối với hai em con bé Tường Vân, thì đây chính là mâm cơm ngon và đầy đủ nhất kể từ sau khi bố mẹ mình qua đời. Cũng từ ngày cha mẹ lìa xa, thì thức ăn ngon hay một giấc ngủ sâu và kể cả nụ cười trên khoé môi, là một gì đó rất xa xỉ đối với hai đứa nhỏ ngây thơ đáng yêu này.

– Nào! Mau ăn cơm đi mấy đứa. Cơm canh nguội cả không ngon đâu.

Con bé Thuỳ Dung liếc nhìn mẹ, hỏi:

– Mẹ, mẹ nói thật chứ? Chị ấy..chị ấy..được phép ăn cơm.

Thím Mười nhìn con gái, cười hì hì nói:

– Ờ! Hôm nay mẹ phá lệ một bữa, cho mấy đứa ăn uống thoải mái đấy. Nào, đưa bát đây mẹ lấy cá gỡ xương cho.

Gắp thức ăn cho con gái xong, thím Mười liếc Tường Vân vẫn không thấy hai chị em con bé ăn cơm, bèn nói:

– Ơ kìa, thím bảo hôm nay hai đứa cứ ăn uống thoải mái kia mà. Hôm nay thím nấu canh và cả thức ăn đầy xoong, ăn bao nhiêu cũng được.

Vừa nói, thím Mười gắp miếng cá kho vào bát cho hai đứa nhỏ. Thằng Hoàng Minh ăn như hổ đói, ăn hết hai bát cơm đầy ve vẫn thè lưỡi ra liếm quanh chén. Lâu lâu len lén nhìn xuống mâm cơm thèm thuồng. Liếm sạch cái bát xong, thằng bé ngước đôi mắt đen láy lên nhìn thím, e rè hỏi:

– Thím ơi, con muốn ăn thêm.

Thím Mười không quát mắng nó như thường ngày, tiện tay giằng cái bát đơm cho nó thêm một bát cơm đầy, còn không quên gắp thức ăn bỏ chất lên trên.

– Đây, ăn đi. Thím bảo cứ ăn đi rồi mà lị.

Thằng bé nhoẻn miệng cười, đưa bát cơm lên miệng và liên tục, cho tới khi ăn hết mới chịu buông đũa.

Thím Mười lấy cái bát múc một bát canh đưa cho nó, nói:

– Ăn thêm canh đi, thím chỉ cho ăn thoải mái hôm nay thôi đấy nhé, từ ngày mai không có mà ăn phung phí vậy đâu.

Thằng bé ngây ngô cười hì hì, nó còn nhỏ tuổi thì làm sao hiểu hết hàm ý trong câu nói của thím Mười. Nhưng Tường Vân thì lại khác, con bé không trông mong thím cho hai chị ăn mình ăn no ba bữa một ngày, mà chỉ mong thím ngày nào cũng đối xử dịu dàng với hai chị em, như ngày hôm nay.
—-

Màn đêm buông.

Gió từ ngoài vườn thối vào mát rượi, ba đứa nhỏ ngu say đến nỗi thím Mười nhéo mạnh vào da thịt cũng không hề nhúc nhích. Dĩ nhiên, thím chỉ véo hai đứa cháu, chứ con gái mình thím không làm vậy.

Chú Công đợi trời khuya lắc mới mò sang, đứng bên ngoài cửa giả tiếng chim hú hai lần thì cánh cửa nhà được thím Mười mở ra.

– Anh đến lâu chưa? Mau vào nhà đi.
– Ừ, anh mới sang.

Trước khi đóng khép chặt cánh cửa, thím Mười đảo mắt quan sát xung quanh, thấy bên nhà hàng xóm đã tắt hết đèn mới cảm thấy yên tâm.

– Đi theo em!

Cách cửa buồng vừa mở, mùi khai khăn khẳn cộng thêm mùi ẩm mốc xộc thẳng vào khoang mũi, khiến chú Công phải đưa tay lên bịt mũi rồi quay mặt đi. Cũng chính vì buồng cụ Cần ngủ lúc nào cũng bốc mùi khiến người ta khó chịu, nên thím Mười rất ghét phải bước vào đây. Song hôm nay lại khác, đừng nói là có mùi khai thôi, ngay cả gian buồng có bốc ra mùi thối đi chăng nữa thì thím Mười cũng phải xới tung lên từng tấc đất.

– May quá, cái nền nhà trong ô buồng này chưa được lát gạch hay đổ xi măng. Ngày xưa nhà em xây nhà, lúc làm nền thì bị thiếu vật liệu nên mấy ô buồng ngủ đâu đâu cũng để nền đất tạm bợ. Đi mãi rồi nhẵn mòn.

Chú Công nghe xong chỉ ậm ừ cho xong chuyện.

Thím Mười vặn cây đèn dầu cho lớn, sau đó quay lại đưa cho chú Công cái thuổng, nói:

– Của anh đây.
– Em tính đào ở đâu trước? Mà em có chắc bà ấy chôn tiền dưới nền nhà hay không?
Thím Mười chẹp lưỡi:
– Em chắc luôn. Thường ngày mụ già ấy nào có qua lại giao du với ai, tiền có trong tay không cất trong tủ thì chắc giấu nó dưới nền nhà chứ gì nữa.
– Sao em không thử tìm trong tủ quần áo, hay những vật dụng có thể cất giấu tiền được xem sao?
– Anh cứ đào đi, đào dưới gầm giường trước. Em tin mụ già ấy giấu tiền dưới gầm giường.

Hai người hì hục đào. Để tiện cho việc xới tung gầm giường lên, thím Mười bảo người tình khiêng chiếc giường tre ọp ẹp của cụ Doãn sang một bên.

Cặp mắt trong veo hiển hiện bên góc phòng, mà hai người họ dường như không hề trông thấy và cảm nhận được sự hiện diện có mặt của người đó ngay bên cạnh.

Chú Công sau một hồi đào bới, cạy lên từng mảng đất thô cứng đen sì, thì cơ thể dần thấm mệt. Mồ hôi trên trán vã ra như tắm, thỉnh thoảng lại đưa vạt áo lên lau mồ hôi.

– Có đếch gì đâu mà tiền với chả vàng.

Chúc Công bất mãn nói, khi đào hì hục nãy giờ cũng đã cạy hết đất ở gầm giường lên mà vẫn chẳng thấy vật gì.

Thím Mười chẹp miệng:

– Lạ thật! Mụ già này giấu tiền ở đâu ta? Em nhớ mình lục tìm hết ngóc ngách trong nhà và cả trong tủ rồi mà. Còn mỗi đào xới nền nhà là chưa làm.

Nói xong, thím Mười nài nỉ chú Công đào rộng ra thêm một đoạn nữa, sâu thêm một khúc, biết đâu cụ Doãn chôn hộp tiền ở tânn sâu dưới nền nhà.

Một lúc sau, nhát thuổng được chú Công vừa nhấn xuống chạm phải một vật cứng cứng, phát ra tiếng động” tạch” nghe tựa như tiếng vại sành bể. Cả hai khựng tay, nhìn nhau ngạc nhiên đứng hình trong giây lát, đôi mắt dường như biết cười, thím Mười vì quá hồi hồi nên mãi mới thốt được thành lời:

– Anh..anh..Công. Hình như chúng ta đào được rồi!


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner