Những năm đó như một cơn ác mộng trong đời ta.
Cũng nhờ Triệu di nương mà ta có thể thấy rõ một điều, nếu phụ thuộc vào sự yêu chiều của nam nhân thì cả đời đều phải tranh đấu với nữ nhân khác.
Mà đã tranh đấu thì sẽ có ngày phải thua cuộc.
Còn đại phu nhân, bà ấy không đấu nên chẳng bao giờ thua.
Trong căn phòng trống trải lạnh lẽo này, các chủ trang trại và chủ cửa hàng cứ tới lui không ngừng, người nào cũng tôn kính với bà ấy, chẳng ai dám lừa gạt dù chỉ một đồng.
Nha hoàn, bà tử, mấy gã sai vặt và gia đinh đều rất chỉnh tề, ai cũng trung thành và tận tâm với bà ấy.
Ta cũng muốn trở thành một chủ mẫu giống như vậy.
Cứ thế, Thẩm Uyển Dung đi theo Triệu di nương tiếp tục học ca múa, khoe khoang thể hiện.
Còn ta học tính toán và trông coi sổ sách của Thẩm gia cùng đại phu nhân. Sau khi chuẩn bị trước sau xong cả thảy, ta lại đưa ra nguyện vọng mới của mình.
“Phu nhân, con muốn học kiếm.”
Đại phu nhân giật mình.
Đúng là trong phòng bà ấy có một thanh bảo kiếm.
Từ đôi câu nói của hạ nhân, ta đã chắp vá lại và biết được chuyện xưa của đại phu nhân.
Bà ấy từng là tướng môn hổ nữ, mười lăm tuổi mang bảo kiếm giết quân phản loạn, truyền tin cho cha và anh trai đang bị nhốt trong thành.
Nào ngờ sau này phụ thân của bà ấy chết trận, huynh trưởng cưới vợ xong thì ép gả bà ấy cho một quan văn Ngũ phẩm là cha ta.
Quá khứ buồn đau phủ đầy sương gió, thanh bảo kiếm cũng lẳng lặng bám bụi ở góc phòng.
Vào kiếp trước, Thẩm Uyển Dung rất sợ thanh kiếm kia.
Nhưng ta lại thấy nó đang mời gọi ta.
“Xin phu nhân dạy con học kiếm!”
Ta nhìn đại phu nhân, vẫn là vẻ mặt lạnh nhạt ấy… lòng ta càng lúc càng thấp thỏm.
Ta cũng không biết thanh bảo kiếm này là vinh dự, hay là vết thương trong lòng bà ấy.
Đại phu nhân suy nghĩ một chốc rồi hờ hững xoay người lại.
Lúc ta đang buồn bã vì cho rằng mình sắp phải nghe lời từ chối thì đại phu nhân lại thốt ra một câu:
“Tới sân đi. Đứng tấn cho ta xem.”
4.
Kể từ ngày đó, ta luyện kiếm cùng đại phu nhân.
Đông luyện tam cửu, hạ luyện tam phục.*
(*冬练三九夏练三伏 đông luyện tam cửu hạ luyện tam phục: tính từ đông chí, cứ chín ngày là một cửu.
Trong một năm, những ngày lạnh lẽo nhất là ngày “tam cửu” trong mùa Đông. Nhà quyền thuật rất coi trọng “Đông luyện tam cửu”, lợi dụng giá lạnh để rèn luyện ý chí, tăng sức chống rét của cơ thể và thói quen thích ứng với giá lạnh. Trong năm thời kỳ nóng nực chính là ngày tam phục trong mùa Hạ. Về mùa Hạ, độ nóng cao, tính ngưng trệ của cơ bắp giảm thấp, tính vươn duỗi tăng cao có lợi cho việc huấn luyện triển khai kỹ thuật và phát triển tố chất vận động một cách toàn diện.)
Xuân đi đông tới, chỉ chớp mắt mà ta đã thành đại cô nương rồi.
Ngày đó, ta đang luyện kiếm bên hồ.
Thanh kiếm bay lên rồi xoay tròn quanh mấy cành đào, chỉ trong chốc lát, tất cả cành hoa rơi xuống lả tả, chỉ còn lại những vết cắt sắc bén và chỉnh tề trên thân cây.
Ta biết, ta luyện kiếm thành công rồi.
Đột nhiên sau lưng truyền đến tiếng trầm trồ khen ngợi, ta quay lại thì phát hiện có đám công tử, tiểu thư đã đi tới sau núi đá tự bao giờ.
Trong đám người ấy có cả tỷ tỷ Thẩm Uyển Dung của ta.
Không thể không nói, Thẩm Uyển Dung đúng là người xuất sắc nhất trong số các quý nữ của những gia đình quan lại hiện tại. Hôm nay nàng ta mặc váy màu hồng đào, người còn đẹp hơn cả hoa. Đám công tử đều vây quanh, không ngừng lấy lòng nàng ta.
Đây là chuyện mà nàng ta chưa bao giờ được nếm trải ở kiếp trước.
Vậy mà, trong lúc nàng ta còn đang say sưa chìm đắm trong đó thì những công tử kia lại thấy cảnh ta múa kiếm bên hồ.
Vị công tử dẫn đầu cảm thán: “Xưa có giai nhân Công Tôn thị, chỉ nhấc nhẹ kiếm cũng khiến xung quanh rung động. Hôm nay nhìn thấy giai nhân đây, còn hơn cả Công Tôn thị!”
Hắn vừa nói như thế, mấy vị công tử còn lại cũng rối rít phụ họa.
Chẳng còn ai chú ý đến Thẩm Uyển Dung nữa.
Thẩm Uyển Dung nhìn ta, ánh mắt âm trầm tựa hồ nước sâu.
Ngày đó, sau khi luyện kiếm về, ta vừa mới tắm rửa sạch sẽ thì nghe thấy tiếng ồn ào ở cổng.
“Cây trâm của Dung cô nương mất rồi, các người lục soát cẩn thận vào.”
Ta vừa lau tóc vừa đi ra thì chạm mặt Thẩm Uyển Dung đang mang một đám nha hoàn và vú già tiến đến.
Ta hỏi nàng ta: “Tỷ lại nổi điên cái gì thế?”
Thẩm Uyển Dung liếc nhìn ta rồi nói với đám người xung quanh: “Ta biết, chắc chắn Ninh muội muội sẽ không trộm đồ của ta đâu. Cơ mà… để tránh hiềm nghi nên ta đành lục soát phòng của muội ấy vậy.”
Mấy vú già nhận lệnh nên xông vào phòng ta lật tung mọi thứ.
Một lát sau, có người cầm cây trâm lao ra: “Đại tiểu thư, tìm được rồi, ở trên bàn trang điểm của nhị tiểu thư.”
Đúng lúc này cha ta cũng trở lại sau bữa tiệc với bè bạn, nghe thấy động tĩnh bên này nên ông ta đi tới hỏi thăm: “Chuyện gì vậy?”
Thẩm Uyển Dung vừa thấy cha đã khóc nấc lên.
“Muội muội, tỷ biết muội ghen tị vì tỷ và di nương được phụ thân yêu thương, được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng muội đâu thể trộm trâm của tỷ được chứ.”
“Đây là vật gia truyền của di nương, hôm nay di nương biết ta làm mất cây trâm này nên giận đến ngất xỉu, bây giờ vẫn còn đang bất tỉnh trong phòng…”
“Phụ thân, xin người làm chủ cho di nương!”
…